Hội thảo là nơi các đại biểu trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến thức ăn nuôi trồng thủy sản, cũng như đề xuất các giải pháp để ngành thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững.
Hội thảo quốc gia về giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản. Ảnh: Thành Trung/BNEWS
Chiều 20/7, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức "Hội thảo quốc gia về giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản".
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, hội thảo là nơi các đại biểu trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến thức ăn nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà quản lý, nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, cũng như đề xuất các giải pháp để ngành thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, giảm chi phí sản xuất cho người chăn nuôi.
Theo ông Trần Công Khôi, Vụ nuôi trồng thuỷ sản, năm 2017, tổng số sản phẩm xác nhận lưu hành là 3.061 sản phẩm; trong đó, sản phẩm thức ăn là 1.877 sản phẩm (trong nước1.634 sản phẩm, nhập khẩu 243 sản phẩm). Sản phẩm bổ sung môi trường nuôi là 1.184 sản phẩm (trong nước 1.114 sản phẩm, nhập khẩu 70 sản phẩm).
Theo định hướng phát triển, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu: công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định; có chất lượng phù hợp đã được công bố áp dụng; thông tin về sản phẩm đã gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Bên cạnh đó, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản có hoá chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thuỷ sản thuộc danh mục hoá chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Thuỷ sản, trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn có vai trò quan trọng, thường chiếm 40 - 70% chi phí sản xuất. Những năm gần đây nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn thủy sản đã có những bước tiến nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, nhiều loại thức ăn cân bằng dinh dưỡng và có khả năng nâng cao sức khỏe của thủy sản nuôi đã được nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất.
Năm 2017, cả nước có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 31 triệu tấn; trong đó, công suất thiết kế cho thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản 5,8 triệu tấn; nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi 18,1 triệu tấn, tương đương 5,5 tỷ USD, bao gồm: thức ăn giàu đạm khoảng 7,2 triệu tấn; thức ăn giàu năng lượng khoảng 10,4 triệu tấn; thức ăn bổ sung khoảng 500.000 tấn…
Năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản đạt từ 7 -7,5 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác thủy sản 3-3,5 triệu tấn (giảm 11,5% so với năm 2017 nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản), sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 triệu tấn. Cả nước cũng phấn đấu đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp khoảng 2,8 - 3% GDP của nền kinh tế quốc dân với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Với tiềm năng lớn, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước./.
Theo Thành Trung/BNEWS/TXVN
Với mục tiêu phát triển và tăng trưởng bền vững nuôi trồng Thuỷ sản Việt Nam, việc sản xuất và sử dụng thức ăn nuôi trồng thủy sản có hàm lượng dinh dưỡng cao, giá cả phù hợp để người nuôi nhận biết, lựa chọn cho mùa vụ và có cách nuôi, cho ăn hợp lý, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Tổng cục Thủy sản chủ trì Hội thảo “Hội thảo Quốc gia về giải pháp phát triển thức ăn trong nuôi trồng thủy sản”. Tạp chí Thủy sản Việt Nam, Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam (SusV) tổ thực hiện. |