Từ ngày 5-6 tháng 10 năm 2015, Được sự hỗ trợ về tài chính của QuỹThe David and Lucile Packard Foundation, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức “Hội thảo đa bên về triển khai chương trình cải thiện nghề cá – FIPs” tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
Hội thảo với sự tham gia đông đảo của đại biểu đến từ: đại diện Tổng cục thủy sản; Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS); nhà mua hàng quốc tế; các công ty chế biến thủy sản; công ty chế biến thức ăn thủy sản; Đại diện ngư dân; Viện Nghiên cứu Hải sản; Viện Hải dương học; Đại học Nha Trang; WWF, VINATUNA, SFP; OXFAM…
Hội thảo nhằm mục đích nâng cao năng lực của các bên liên quan đến từ các doanh nghiệp, chính phủ, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ nhằm tham gia một cách hiệu quả vào FIPs, với các nội dung chính như sau:
- Các cơ sở và cấu trúc của FIPs
- Vai trò quan trọng của FIPs và tầm ảnh hưởng của FIPs đến ngành thủy sản.
- Cách thứch các bên liên quan có thể và nên tham gia vào quá trình FIPs.
Tiến sỹ Lê Thanh Lựu, giám đốc ICAFIS chia sẻ:
Khai thác thuỷ sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của thuỷ sản Việt Nam. Với hơn 3000km bờ biển, 130,000 tàu cá, năm 2014 sản lượng khai thác thuỷ sản Việt Nam đạt 2,9 triệu tấn, chiếm gần 50% tổng sản lượng thuỷ sản toàn ngành. Sản phẩm thủy sản hiện nay có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới. Ước tính số lao động tham gia trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản cả nước khoảng 1,5 triệu người, và góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và tạo ra nhiều công ăn việc làm, đặc biệt là ở vùng nông thôn ven biển Việt nam.
Bên cạnh những thành quả đạt được, khai thác thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm lên là các thách thức liên quan đến: i) Khó truy xuất nguồn gốc và thiếu bền vững ii) khai thác quá mức và thiếu tính chọn lọc; ii) tổn thất sau thu hoạch ở mức cao; iii) sử dụng ngư cụ có tính huỷ diệt và vi phạm các quy định về khai thác thuỷ sản.
Trước những tiềm năng và thách thức của lĩnh vực khai thác thuỷ sản, có thể nhận định Chương trình Cải tiến nghề cá (FIPs) theo hướng thực hành tốt hơn và theo đuổi các chứng chỉ bền vững ví dụ MSC là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam. Triển khai chương trình cải tiến nghề cá sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực khai thác thuỷ sản theo hướng có trách nhiệm, sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản phục vụ cho không chỉ thế hệ hôm nay mà còn mai sau.
ICAFIS