ICAFIS - Hội nhập TPP và thực hành trách nhiệm xã hội

(Thủy sản Việt Nam) - Ngày 5/12/2015, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt thỏa thuận cuối cùng và kết thúc đàm phán. TPP được coi là Hiệp định của thế kỷ 21, dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Cơ hội cho ngành thủy sản

Tác động trực tiếp của TPP đối với ngành thủy sản Việt Nam đến từ các biện pháp thuế quan (thuế ưu đãi với thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào các nước thành viên TPP, cũng như thuế ưu đãi cho thủy sản các nước đối tác TPP nhập khẩu vào Việt Nam) và các biện pháp tại biên giới liên quan việc nhập khẩu (các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ…).

Trong thị trường tự do, giá cả được thị trường quyết định dựa trên uy tín thương hiệu. Song, việc công nhận chính thức, cùng đó là những chính sách toàn diện, nhất là việc đưa thuế suất về 0% với mặt hàng tôm sẽ tạo điều kiện cho tôm Việt Nam đi sâu vào các thị trường.VASEP nhận định: Các nước thành viên TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu hàng hóa và cắt giảm bằng 0% trong tương lai gần; đây là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản - thị trường lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

mặt hàng thủy sản Việt Nam có cơ hội đi sâu vào các thị trường

Với thuế suất về 0%, mặt hàng thủy sản Việt Nam có cơ hội đi sâu vào các thị trường - Ảnh: Phan Thanh Cường

Tăng cường trách nhiệm xã hội

Một trong những điểm mới của TPP là yêu cầu cao hơn về trách nhiệm xã hội (CSR). Qua đó, CSR của doanh nghiệp phải thể hiện cụ thể trên các yếu tố, các mặt: 1. Bảo vệ môi trường; 2. Đóng góp cho cộng đồng xã hội; 3. Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; 4. Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; 5. Quan hệ tốt với người lao động; 6. Đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, bốn yếu tố đầu tiên thể hiện trách nhiệm bên ngoài của doanh nghiệp, còn hai yếu tố cuối thể hiện trách nhiệm bên trong, nội tại của doanh nghiệp.

Cho đến nay, không ít doanh nghiệp vẫn chưa thấy rõ cơ hội, trong khi chỉ thấy đầy thách thức. Một trong những thách thức đó, nếu xét kỹ những điều kiện đàm phán với Việt Nam trong tham gia TPP, chính là việc đầu tư và thực thi CSR của doanh nghiệp; trong 14 vấn đề được đàm phán và cam kết ở các lĩnh vực, đã có nguyên hai mục mang đậm nội hàm CSR, chưa kể ở các mục "tinh thần" CSR cũng đòi hỏi dày đặc.

CSR và thương hiệu khi tham gia TPP

Theo chuyên gia thương hiệu Amir Kassaei, "Thương hiệu không chỉ là sản phẩm, lời hứa hay là cảm giác. Nó là tổng hợp các trải nghiệm của một cá nhân đối với một doanh nghiệp". Các trải nghiệm cảm giác của một cá nhân với thương hiệu doanh nghiệp tất yếu có sự vun bồi từ hoạt động CSR. Và từ CSR, từ thương hiệu có giá trị vô hình, sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự gia tăng giá trị hữu hình.

Trong ba thành tố kinh tế, môi trường và xã hội mà CSR xoay quanh, không có thành tố nào mang tên Con người, nhưng thực chất tất cả lại quay quanh con người, vì con người. Trong đó, niềm tin của con người, lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, trên cơ sở chất lượng sản phẩm doanh nghiệp cung cấp, cũng phần nào được xây dựng hoặc cải thiện dựa trên chiến lược triển khai CSR của doanh nghiệp. Đổi lại, họ có thể đánh giá hiệu quả của CSR qua nhiều chỉ số tài chính (như: sự hài lòng của người tiêu dùng, số lượng khiếu nại, mức tiêu thụ năng lượng, khối lượng rác thải, năng suất lao động…) và xác tín niềm tin của người tiêu dùng với thương hiệu doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng lao động

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý những thuận lợi rất cơ bản khi chúng ta tham gia cam kết về lao động trong TPP. Tất cả những quy chế mới theo TPP có cái khắc nghiệt, nhưng khắc nghiệt đối với giới sử dụng lao động hơn là với người lao động và từ đó người lao động được hưởng lợi. Đứng trên cơ sở quyền và nguyện vọng của người lao động, chúng ta rất nên ủng hộ. Còn về lợi ích của người sử dụng lao động thì về lâu dài là có lợi chứ không phải là thua thiệt, nên chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận được.

CSR là giải pháp phát triển bền vững khi tham gia hội nhập

 Ông Tưởng Phi Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) chia sẻ: Ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, việc phát triển này còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững, đặc biệt việc thực hiện CSR phần lớn còn mang tính đối phó, chỉ đáp ứng các yêu cầu của khối các đơn vị nhập khẩu, chưa đi vào bản chất bên trong. Vì vậy, chủ động đẩy mạnh CSR thời gian tới, theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, an sinh xã hội của người lao động, và bảo vệ môi trường chung, có thể là chìa khoá để thủy sản Việt Nam mở cánh cửa hội nhập TPP và phát triển bền vững thực chất.

ICAFIS
ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)
 

Share: 

Tin tức khác