Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất tôm theo hướng bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người sản xuất quy mô nhỏ nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập và tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi từ Chính phủ. Ngày 19-1, tại Trung tâm Văn hóa Hội nghị Sóc Trăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), WWF Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo “Tọa đàm xây dựng liên kết chuỗi trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng”. Tham dự có đồng chí Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng; đại diện doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản; các công ty thức ăn, sản xuất giống; các hợp tác xã và các hộ dân nuôi tôm của tỉnh.
Sóc Trăng là tỉnh có nghề nuôi tôm phát triển, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 72.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 45.000 ha, tập trung ở 3 huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu, đối tượng nuôi chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, mỗi năm sản lượng nuôi tôm nước lợ ước đạt khoảng 80.000 tấn. Theo nghiên cứu, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ICAFIS, WWF, hiện tại hoạt động nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành theo chuỗi; tuy nhiên, liên kết chuỗi chưa thực sự chặt chẽ và bền vững.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.
Tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc SCAP đã trình bày và phân tích về “Rủi ro trong nuôi tôm và xu hướng phát triển theo chuỗi giá trị”. Theo ông Nguyễn Văn Giáp, rủi ro thường gặp là về chất lượng con giống; điều kiện thời tiết, môi trường và dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả thị trường luôn biến động. Vì vậy, cần tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc: Thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường mô hình nuôi tôm sạch, theo tiêu chuẩn; tăng cường quản lý nhóm thương lái, hạn chế bơm chích tạp chất ở thương lái nhỏ lẻ; tăng cường liên kết người nuôi và nhà máy chế biến, lấy nhà máy chế biến làm chủ đạo, hạn chế trung gian. Bên cạnh đó, để nâng cấp chuỗi, cần hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tượng cần quan tâm; hỗ trợ vốn cho các hộ nuôi đáp ứng được yêu cầu về nuôi tôm có trách nhiệm; hỗ trợ các doanh nghiệp về khâu đăng ký và kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế, liên kết chuỗi cung ứng nguyên liệu và hỗ trợ vốn vay nhằm xây dựng vùng nguyên liệu.
Theo đó, các đại biểu đã tập trung đánh giá hiện trạng chuỗi tôm của tỉnh; đồng thời, thảo luận về một số nội dung như: Hiện trạng nhu cầu cần nâng cấp chuỗi; định hướng của tỉnh trong phát triển chuỗi; chính sách tài chính của nhà nước hỗ trợ cho chuỗi. Thông qua buổi hội thảo, đại diện các công ty thức ăn, sản xuất giống và các hợp tác xã cũng thảo luận và xác định nhu cầu các bên trong liên kết chuỗi và đưa ra một số hướng để giải quyết nhu cầu thị trường yêu cầu sản phẩm theo liên kết chuỗi; những khó khăn, thực tiễn cản trở trong liên kết chuỗi; nhu cầu các bên trong việc liên kết sản xuất tôm theo chuỗi.