Từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 11 năm 2015 vừa qua, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, Hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, OXFAM, CECEM tổ chức khóa tập huấn giảng viên lồng ghép giới trong đánh giá tác động xã hội vùng nuôi với sự tham gia của cộng đồng P-SIA/GALS trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng.
* Tại sao phải thực hành P-SIA
Trong vòng vài thập kỷ qua, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng nhanh chóng trên toàn cầu cả về quy mô và chủng loại, kéo theo nó là những vấn đề về ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, xung đột lợi ích, mâu thuẫn với cộng đồng địa phương, phát tán dịch bệnh, vv. Chính vì lý do này nhiều bộ tiêu chuẩn về sản xuất có trách nhiệm tiếp nối nhau ra đời nhằm đảm bảo việc sản xuất có hiệu quả, cũng như đảm bảo tính bền vững nghề nuôi trồng thủy sản.
Những bộ tiêu chuẩn phổ biến hiện nay trong nuôi thủy sản ở Việt Nam là BAP, AquaGap, GlobalGAP, VietGap, Natureland, ASC vv…ngoài việc thực hành tốt nuôi thủy sản đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường thì việc thực hành trách nhiệm xã hội ngày càng được người tiêu dùng quốc tế và các nhà mua hàng đề cao. Việc thực hành có trách nhiệm này cũng là yếu tố giúp đảm bảo phát triển bền vững, làm cân đối được ba yếu tố kinh tế -môi trường - xã hội, có nghĩa là việc sản xuất phải đảm bảo được lợi ích kinh tế, nhưng giảm thiểu tác hại tới môi trường, và gắn với công bằng xã hội.
Đánh giá tác động xã hội có sự tham gia của cộng đồng (P-SIA) là một trong những yêu cầu trụ cột trong bộ tiêu chuẩn ASC để đảm bảo tính bền vững của hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là tiêu chí được nhiều nhà mua hàng và người tiêu dùng trên thế giới ưa thích.
Thông qua thực hành P-SIA, tiếng nói chung của cộng đồng, mối quan hệ giữa người nuôi trồng thủy sản và cộng đồng xung quang thêm gắn kết. Các bên sẽ cùng nhau xây dựng một kế hoạch hành động với sự cam kết cao nhằm thúc đẩy những tác động tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ người nuôi, trại nuôi đến cộng đồng xung quanh ở các khía cạnh xã hội: i) Kinh tế; ii) xã hội; iii) Cơ sở hạ tầng, giao thông; iv) văn hóa tín ngưỡng; v) quan hệ cộng đồng và giới; vi) an ninh chính trị. Như vậy thực hành P-SIA không chỉ góp phần xây dựng mối quan hệ cộng đồng, ổn định an ninh, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
* Lồng ghép GALS trong đánh giá tác động xã hội có sự tham gia của cộng đồng (P-SIA)
GALS là thuật ngữ viết tắt của cụm từ Gender Action Learning System, tạm dịch tiếng Việt là Hệ thống Học tập và Hành động về giới - là một phương pháp tăng quyền được thực hiện bởi chính cộng đồng và được phát triển bởi Oxfam Novib, trong khuôn khổ Chương trình WEMAN toàn cầu. Phương pháp này nhằm tăng quyền cho phụ nữ và nam giới để họ tự chủ (chủ động hơn nữa) trong cuộc sống của chính mình; thúc đẩy và hỗ trợ phong trào bình đẳng giới một cách bền vững.
Tại Việt Nam và các nước trên thế giới vai trò và vị thế của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Phụ nữ luôn là những người đi tiên phong trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Bên cạnh đó phụ nữ còn là người góp phần làm dung hòa mối quan hệ cộng đồng, thúc đẩy sự công bằng xã hội, ý tế giáo dục tại địa phương.
Thông qua sử dụng công cụ GALS trong đánh giá tác động xã hội với sự tham gia của cộng đồng (P-SIA) trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng, phụ nữ sẽ trực tiếp được tham gia vào tất của các quá trình, bao gồm:
- Phân tích bản đồ sinh kế tại địa phương
- Phân tích các bên liên quan và mối quan hệ giữa các bên trong phát triển nuôi tôm tại địa phương.
- Phân tích cây thách thức hành động (vấn đề) trong phát triển nuôi tôm nhằm đưa ra các giải pháp tốt nhất thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.
- Phân hạng ưu tiên các tác động tích cực và tiêu cực.
- Xây dựng kế hoạch hành động trong thực hành P-SIA (còn đường mơ ước).
Với cách tiếp cận này phụ nữ sẽ không chỉ là người tham dự mà là người tham gia và được điều điều hành các nhóm thảo luận. Vấn đề và giải pháp trong phát triển nuôi tôm bền vững sẽ được CHÍNH những người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng nuôi tôm cùng xây dựng và phát triển, qua đó vai trò và vị thế của phụ nữ trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng ngày càng được nâng cao.
* Khóa tập huấn TOT GALS/P-SIA
Mục tiêu hướng tới toàn bộ 14 hợp tác xã vùng dự án tại Mỹ Xuyên, Sóc Trăng sẽ thực hành đánh giá tác động xã hội có sự tham gia của cộng đồng (P-SIA). Trong đó 50% số hợp tác xã thực hành sẽ được đánh giá.
Khóa tập huấn được thiết kế nhằm đạo tạo lực lượng giảng viên nguồn “tại chỗ” về GALS/P-SIA. Các giảng viên này sẽ tiếp tục thực hiện các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giám sát áp dụng GALs/P-SIA cho 14 hợp tác xã/tổ hợp tác nuôi tôm, công đồng xung quanh tại 08 xã vùng dự án, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
ICAFIS
GRAISEA NEWS