ICAFIS - GRAISEA: Giảm thiểu rủi ro tín dụng khi đầu tư vào nuôi tôm

Ngành tôm đang đóng góp tới 47% giá trị xuất khẩu cho thủy sản VN, tạo việc làm và thu nhập cho 700 ngàn hộ gia đình. Tuy nhiên, đây vẫn được cho là lĩnh vực chất chứa nhiều rủi ro, và việc tiếp cận chính sách tín dụng theo mô hình chuỗi giá trị hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Giá trị lớn nhưng rủi ro cao

Tại buổi tham vấn và tọa đàm “Xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị tôm tại khu vực ĐBSCL” do Hội Nghề cá VN tổ chức tại Cần Thơ vừa qua, ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, cho biết có 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro với người nuôi tôm: chất lượng con giống; thời tiết, môi trường; dịch bệnh; biến động thị trường. Theo một khảo sát của trung tâm này tại Cà Mau, tỷ lệ hộ nông dân nuôi tôm gặp tình trạng tôm chết hàng loạt liên tục tăng trong những năm gần đây: năm 2010 có 22% số hộ, 2011 tăng lên 31,67%, 2012 là 45,83%, 2013 là 46,67% và năm 2014 lên đến 58%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo khảo sát có hơn 50% xuất phát từ dịch bệnh, khoảng 25% xuất phát từ tôm giống kém chất lượng…

Mặc dù kết quả khảo sát cũng cho thấy dấu hiệu tích cực mà nghề nuôi tôm mang lại cho đời sống người dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giáp, nghề nuôi tôm vẫn đang là nghề rủi ro. Những hộ nuôi nhỏ khó tiếp cận vốn vay, còn các doanh nghiệp có xu hướng phân tán rủi ro để thuận lợi hơn với việc vay vốn ngân hàng, vì tâm lý không ai muốn hợp tác với người có rủi ro lớn…

Cần phân tích đầy đủ chuỗi giá trị

Tháng 6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP quy định các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với nhiều ưu đãi hơn, trong đó nhấn mạnh chính sách tín dụng theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Tuy nhiên, việc đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị của các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở để đánh giá mô hình liên kết kinh doanh chuỗi bền vững.

Thực tế doanh nghiệp và người nuôi tôm có nhu cầu cao về vốn đầu tư để nâng cấp và mở rộng sản xuất nhằm áp dụng và đáp ứng các yêu cầu về sản xuất bền vững, có trách nhiệm của các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, để hạn chế và quản lý rủi ro, các ngân hàng cần phân tích được các yếu tố bền vững của chuỗi giá trị tôm cũng như các rủi ro liên quan thì mới đưa ra được các chiến lược và biện pháp cho vay hiệu quả. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp kết nối ngân hàng vàdoanh nghiệp trong việc giải ngân nguồn vốn theo mô hình chuỗi, nhằm giúp ngân hàng giảm thiểu các rủi ro tín dụng, giúp các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất bền vững và quản lý các yếu tố rủi ro của sản xuất tôm, đảm bảo phát triển kinh tế cho người sản xuất quy mô nhỏ và người lao động làm việc trong các nhà máy chế biến.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá VN cho rằng thủy sản là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhất và có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay. Tính đến năm 2014, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6,3 triệu tấn, tạo việc làm cho khoảng 4,7 triệu lao động. giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục 7,9 tỷ USD, sản phẩm có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, tỷ lệ vốn FDI thu hút vào ngành còn rất thấp; thiên tai, dịch bệnh, rủi ro khi xuất khẩu; việc tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, đặc biệt với những hộ nuôi nhỏ ngày càng khó khăn; việc liên kết sản xuất – tiêu thụ dù đã có một số điển hình nhưng chưa được nhân rộng, liên kết chuỗi còn thiếu. Những năm gần đây, ngành thủy sản phát triển đều vì cổ phần hóa, không có kinh tế quốc doanh. Tuy nhiên, vì cổ phần, tư nhân nên việc tiếp cận nguồn vốn vẫn khó khăn…

Theo dự báo, xuất khẩu tôm cả nước năm 2015 đạt hơn 3 tỷ USD (năm 2014 khoảng 3,9 tỷ USD). Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2015 đạt 6,9 tỷ USD, giảm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2014.

Hữu Cảnh

Theo: http://thuonggiathitruong.vn/trong-nuoc/giam-thieu-rui-ro-tin-dung-khi-dau-tu-vao-nuoi-tom.html

GRAISEA NEWS

 

 

Share: 

Tin tức khác