(Thủy sản Việt Nam) - Sáng 28/12, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (Icafis) đã tổ chức Hội thảo “Đối thoại chính sách thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam”.
Thủy sản là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay. Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu 7,9 tỷ USD. Sản phẩm thủy sản hiện nay có mặt tại 164 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là các thách thức liên quan đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; tổn thất sau thu hoạch ở mức cao; nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người lao động chưa được quan tâm đúng mức…
Tại Hội thảo, các diễn giả tham gia đều khẳng định, với xu thế phát triển của thời đại, trách nhiệm xã hội được đề cao và được yêu cầu tại nhiều thị trường. Và khi Việt Nam tham gia ký kết TPP thì vấn đề này càng trở lên quan trọng và buộc phải thực hiện những quy định của nhà nhập khẩu. Để thúc đẩy trách nhiệm xã hội tại nhà máy chế biến, trại nuôi thủy sản và trên các tàu khai thác, trước hết cần phải tìm ra những điểm chưa phù hợp như quy định về giờ làm, ưu đãi lao động nữ, mua bảo hiểm cho tài sản và người lao động, hợp đồng và trả công cho người lao động đúng mức, quản lý lao động trên tàu cá... Điều này sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh khi xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu mua hàng và tuân thủ pháp luật của quốc gia nhập khẩu.
Theo nhận định chung, việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam bước đầu tập trung ở các nhà máy chế biến thủy sản (khoảng 30% số nhà máy) và gần như bỏ ngỏ đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác.
GRAISEA NEWS