HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A: Lợi ích nhân đôi từ nuôi tôm sạch

HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A(huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao khi tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt trong bảo vệ môi trường chăn nuôi.

 Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A là một trong số ít HTX ở Sóc Trăng ăn nên làm ra, khi thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc nuôi tôm sạch. 

Thời gian qua, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc sử dụng sản phẩm vi sinh trong nuôi trồng. 

Nói không với kháng sinh

Theo ông Ngô Công Luận - Giám đốc HTX, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm là con dao hai lưỡi, chỉ mang lại cái lợi trước mắt nhưng để lại những hậu quả lâu dài về môi trường. Nói không với kháng sinh, nuôi tôm sạch trước tiên là tự bảo vệ mình, bởi giảm được chi phí và hiệu quả bền vững.

Hiện, công ty CP Thủy sản sạch Clean Food đã trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ tôm thẻ chân trắng của HTX với thỏa thuận có lợi cho hai bên. 
HTX cũng có hợp đồng bao tiêu vật tư đầu vào nên các thành viên rất an tâm, tập trung chăm sóc tốt đàn tôm để đạt năng suất cao.

Theo tính toán của HTX, nuôi tôm theo quy trình VietGAP tỷ lệ thành công cao, ít xảy ra dịch bệnh và môi trường nước ô nhiễm cũng dần được giải quyết. Trong khi giá tôm được bán cao hơn giá thị trường 15 - 20% (5.000 - 7.000 đồng/kg) nếu trong quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh và đáp ứng một số tiêu chuẩn khác về môi trường, thức ăn, quản lý… 

Ông Luận cho rằng trong xu thế thị trường hiện nay, các thành viên HTX đều nhận thức chỉ có nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp mới có sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra ổn định. Trên diện tích 27ha, mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 50 tấn tôm sạch ra thị trường với lợi nhuận 2 - 4 tỷ đồng/năm.

HTX thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc nuôi tôm sạch

Nuôi nước trước nuôi tôm

Hiện nay, hầu hết thành viên HTX đều chịu khó học hỏi, thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, tọa đàm nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi tôm. Ý thức của người nuôi tôm đã được nâng lên, bà con đã tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng và thực hiện quy trình cải tạo ao nuôi do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Thực hiện đầy đủ nhật ký ghi chép thả giống, cho ăn, dịch bệnh, vốn, kỹ thuật và giá tôm nuôi thả nuôi.

Ông Diệp Thành Nhơn - thành viên HTX, cho biết: “Lợi nhuận là điều người nông dân quan tâm, nên muốn có lợi nhuận phải xác định tuân thủ theo lịch thời vụ, thường xuyên theo dõi độ mặn, vệ sinh môi trường… phải quản lý cho tốt để hạn chế thiệt hại, giảm chi phí thức ăn và tăng hiệu quả sản xuất, tăng độ an toàn thực phẩm”.

Chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước luôn được đánh giá là những yếu tố giữ vai trò quan trọng nhất trong nuôi tôm. Nếu không tạo điều kiện sống tốt nhất cho tôm, tôm sẽ dễ mắc bệnh, sinh trưởng, phát triển chậm, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khi xuất bán. 

Chính vì vậy, HTX đã thực hiện mô hình nuôi nước trước nuôi tôm. Trong tổng diện tích ao nuôi, HTX dành ít nhất 30 - 40% ao nuôi làm ao lắng, trữ và xử lý nước bằng chế phẩm vi sinh hoặc nuôi cá rô phi, sau đó mới cấp qua ao nuôi tôm. Đây là điều quan trọng và được thực hiện nghiêm túc để làm sạch nước, loại bỏ tạp chất, vi sinh vật gây hại đến sự sinh trưởng, phát triển của tôm. 

Ngoài ra, nuôi tôm theo hệ thống tuần hoàn khép kín, nuôi bằng chế phẩm vi sinh để xử lý nước là những công nghệ nuôi tôm tiên tiến đang được áp dụng tại HTX, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mô hình sản xuất của HTX được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là vấn nạn sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm con tôm của Việt Nam.
 Theo Như Yến, Thời báo Kinh doanh

Share: 

Tin tức khác