Vào ngày 20/06/2018, Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD đã tổ chức buổi thảo luận với chủ đề “ Nuôi tôm chứng chỉ sinh thái kết hợp bảo tồn rừng ngập mặn” tại hội trường Uỷ ban Nhân Dân xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với mục đích nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của rừng ngập nước cũng như việc nuôi tôm rừng có chứng chỉ sinh thái. Chương trình truyền thông được tài trợ bởi Tập đoàn Yuhan Kimberly và Trung tâm Eco-Peace Leadership Center của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) Hàn Quốc.
Trong buổi hội thảo, nhiều cán bộ của các xã (Thuỵ Xuân, Thuỵ Hải và Thuỵ Trường) cùng các hộ nuôi thuỷ sản đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích.
Trong buổi làm việc, những người tham gia đã được xem một video ngắn với nội dung “Phát triển tôm sinh thái có chứng chỉ tại Việt Nam”, với sự góp mặt của ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS). Video đã đề cập đến nhiều vấn đề trong đó đặc biệt nhắc tới lợi ích của việc nuôi tôm có chứng chỉ trong rừng ngập mặn cũng như tiềm năng xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Tiếp đó là bài trình bày của TS. Phan Thị Ngọc Diệp đến từ Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản. TS. Diệp đã trình bày về “Nuôi tôm sinh thái có chứng chỉ và những lợi thế cạnh tranh”.
Sau đó là buổi thảo luận của người tham gia hội thảo về vấn đề: “Những cơ hội và thách thức của việc nuôi tôm sinh thái có chứng chỉ”. Người dân được chia thành ba nhóm thảo luận đến từ ba xã khác nhau cùng thảo luận đưa ra ý kiến với sự hỗ sợ của TS. Diệp và CECAD.
Buổi thảo luận đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của người dân, thu thập được nhiều ý kiến hữu ích về những thuận lợi và khó khăn của việc nuôi tôm sinh thái có chứng chỉ tại địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Những thông tin trên là cơ sở quan trọng cho những kế hoạch tiếp theo về phát triển tôm sinh thái kết hợp bảo vê rừng ngập mặn tại Việt Nam.
Theo Cecad