Diễn đàn tôm Việt 2020: Cần thương hiệu để nhận thấy sự khác biệt

Ngày 5/10, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn tôm Việt năm 2020, với chủ đề Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm lúa ở ĐBSCL.

Diễn đàn tôm Việt năm 2020 được tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện sở, ngành các tỉnh ĐBSCL, đại diện các tổ chức nghiên cứu khoa học, các tổ chức nước ngoài, các chuyên gia về thủy sản và đông đảo nông dân.

Mô hình canh tác tôm lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm). Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.

Canh tác lúa tôm hữu cơ ở ĐBSCL: Cần thương hiệu để nhận thấy sự khác biệt - Ảnh 1.

Diễn đàn tôm việt năm 2020 thu hút đông đảo đại biểu, các chuyên gia nông nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Chúc Ly.

Cùng với quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) gia tăng, mô hình sản xuất tôm lúa phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL. Trong kịch bản ứng phó với BĐKH và nước biển dâng thì mô hình tôm lúa được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. 

Đây được nhận diện là mô hình thuỷ sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác.

Tại ĐBSCL, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm lúa mặn - lợ có thể nuôi 2 vụ, một vụ tôm và một vụ lúa. Diện tích nuôi tôm lúa khá lớn, hiệu quả kinh tế cao trung bình đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm. 

Canh tác lúa tôm hữu cơ ở ĐBSCL: Cần thương hiệu để nhận thấy sự khác biệt - Ảnh 2.

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản phát biểu tại diễn đàn tôm năm 2020. Ảnh: Chúc Ly.

Tại diễn đàn, ông Mã Văn Hồng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: "HTX được thành lập năm 2014, với thành viên ban đầu là 16 người. Đến nay có 78 thành viên, thực hiện mô hình sản xuất chính là nuôi tôm kết hợp lúa, hoa màu. Khoảng năm 2006, HTX bắt đầu triển khai mô hình tôm lúa, tuy nhiên sản lượng lúa và tôm còn thấp". 

Sau đó, HTX chuyển đổi từ lúa thường sang lúa ST5 theo định hướng và phát động của Sở NNPTNT tỉnh, được hỗ trợ giống lúa, nhờ đó năng suất đạt cao, giá bán cao. Từ giai đoạn 2016-2019, HTX bắt đầu sản xuất theo hướng hữu cơ, dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Định hướng phát triển các giống lúa ST20, ST24. 

Canh tác lúa tôm hữu cơ ở ĐBSCL: Cần thương hiệu để nhận thấy sự khác biệt - Ảnh 3.

Ông Mã Văn Hồng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ tại diễn đàn về mô hình tôm lúa hữu cơ. Ảnh: Chúc Ly.

Cũng theo ông Hồng, khi thực hiện mô hình, nông dân tận dụng để nuôi trồng thêm các sản phẩm khác như trồng hoa màu trên bao bờ lúa. Bên cạnh đó, nông dân kết hợp nuôi cá, vịt con để ăn sâu rầy trên ruộng lúa. Hạt gạo và con tôm trong ruộng lúa ngon hơn lúa và tôm có sử dụng thuốc phân hoá học, kháng sinh; giá thành của lúa trồng trong mô hình tôm lúa cao hơn lúa thường. 

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Võ Nam Sơn - Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: "Trong canh tác tôm lúa, để tăng giá trị sản phẩm chúng ta đã có tôm lúa, tôm sinh thái và đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, chỉ số nào trong sản phẩm tôm sinh thái hay tôm hữu cơ là quyết định; để thấy sự khác biệt với sản phẩm thông thường. Đây cũng là cơ sở để nhận thấy giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường".

Canh tác lúa tôm hữu cơ ở ĐBSCL: Cần thương hiệu để nhận thấy sự khác biệt - Ảnh 4.

Thu hoạch tôm càng xanh trong hệ canh tác tôm lúa ở huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay canh tác lúa tôm hữu cơ đang bị ảnh hưởng bởi nguồn nước thải ra từ những vùng chỉ chuyên sản xuất lúa hoặc chuyên nuôi tôm, dẫn đến lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, mô hình này cũng chưa có sự đầu tư về giống tôm, chất lượng giống và môi trường; sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt; bà con chưa liên kết để làm mô hình, làm đất và gieo theo lịch đồng loạt;…

Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao các báo cáo, tham luận tại diễn đàn. Ông Trung cho rằng, đây là nguồn tài liệu hay để áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại các địa phương.

Ông Trung nhận định: "Trong mô hình lúa tôm, thời gian trước, bà con chưa quan tâm nhiều đến cây lúa, nhưng hiện nay ta có những giống lúa chất lượng cao. Như vậy, phát triển cả lúa và tôm trong hệ canh tác sẽ giúp cho bà con tăng lợi nhuận. Không những vậy, canh tác lúa tôm còn hướng đến mục tiêu lúa thơm - tôm sạch, lúa – tôm hữu cơ".

Canh tác lúa tôm hữu cơ ở ĐBSCL: Cần thương hiệu để nhận thấy sự khác biệt - Ảnh 5.

Nhiều nông dân cho rằng, để phát triển mô hình tôm lúa hữu cơ, chính quyền cần hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hạ tầng. Ảnh: Chúc Ly.

"Kịch bản BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn. Mô hình tôm lúa có khả năng thích ứng BĐKH cao. Giải pháp mà chúng ta đang chọn trong canh tác lúa tôm là giải pháp phi công trình, nếu có giải pháp công trình cũng không lớn. Trong điều kiện nguồn lực của nhà nước có hạn thì giải pháp thích ứng là đang được ủng hộ. Với diện tích lúa tôm hiện có của vùng ĐBSCL, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để làm nên thương hiệu lúa tôm, Khi đã có thương hiệu và sản lượng đủ lớn thì chúng ta có thể làm chủ được thị trường", ông Trung nêu ý kiến.

Năm 2000, diện tích nuôi tôm lúa đạt khoảng 71.000ha, đến năm 2015 đạt hơn 176.600ha. Đến năm 2020, diện tích nuôi tôm lúa các tỉnh ĐBSCL ước đạt hơn 211.900ha, sản lượng ước đạt hơn 84.700 tấn, trong đó nhiều nhất là Kiên Giang khoảng 100.000ha, Cà Mau hơn 38.000ha, Bạc Liêu hơn 57.800ha, Sóc Trăng khoảng 9.700ha.

Theo Chúc Ly, báo danviet.vn

Share: 

Tin tức khác