Trong nuôi tôm quy mô nhỏ, nam giới giữ vị trí quan trọng tại khâu nuôi tôm thương phẩm trong khi đó vai trò của phụ nữ lại được thể hiện ở khâu chế biến và thương mại. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong chuỗi giá trị và lợi ích vẫn còn hạn chế do việc ra quyết định được thực hiện bởi các nhân tố khác.
Trong tổng số nông dân nuôi tôm, phụ nữ chiếm tới 50%, họ là những ngư dân vùng ven biển và là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói mòn đất, lũ lụt, bão; mùa vụ bị mất trắng do dịch bệnh..hoặc do thiếu kiến thức cần thiết về nuôi tôm và không được đào tạo, chỉ dẫn, họ cũng chịu thiệt thòi do xã hội không nhìn nhận đúng vai trò của người phụ nữ tại cộng đồng ven biển, cũng như không có chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển cho người phụ nữ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn cải thiện chuỗi giá trị của tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long thì cần phải nâng cao vai trò của phụ nữ tại tất cả yếu tố trong chuỗi, đặc biệt là từ giai đoạn sản xuất, giai đoạn mà phụ nữ chiếm đa số tuy nhiên vai trò cũng như lợi ích của họ lại bị hạn chế nhất. Dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng –GRAISEA” được thiết kế nhằm mang lại những giá trị cao đẹp đó, dự án được tài trợ bởi Đại sứ quán Thụy Điển tại Thái Lan và được thực hiện bởi Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững- ICAFIS phối hợp cùng tổ chức Oxfam Việt Nam từ năm 2015 đến 2018.
Qua 2 năm thực hiện dự án, nhằm ghi nhận kết quả đạt được và lấy ý kiến từ các bên để phát triển xa hơn nữa cho chuỗi tôm đồng thời nâng cao vai trò của phụ nữ. Từ ngày 29 đến 31/5/2017, đoàn tham quan gồm: ông Pererik Högberg đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; Bà Victoria Rhodin Sandström – Bí thư thứ hai Đại sứ quán Thụy Điển tại Thái Lan; Bà Åsa Heijne – Cố vấn cao cấp Phát triển thị trường (SIDA) và các bên liên quan đã có chuyến thăm và làm việc vùng dự án GRAISEA chuỗi tôm tại tỉnh Sóc Trăng.
Tham dự chuyến thăm và làm việc có đại diện các sở ban ngành tỉnh Sóc Trăng: Ủy Ban tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi Cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến Nông, Hội phụ nữ, Ủy ban và các phòng nông nghiệp các huyện trong vùng dự án. Trung tâm ICAFIS cùng OXFAM Việt Nam, Công ty GENTACO, MDI, Công ty Vinaclean Food, Công ty Lasan, cùng các cơ quan truyền thông báo chí….
Theo chia sẻ của ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc ICAFIS tại buổi họp cùng các bên liên quan ngày 29/5/2017 “Tuy dự án mới triển khai được trên hai năm nhưng đã tạo được nhiều kết quả ban đầu rất tốt”.
* Chuỗi giá trị tôm tại Sóc Trăng hướng đến hội nhập và thực hành sản xuất tốt
- Đã có 22 hợp đồng liên kết chuỗi trong cung ứng đầu vào và đầu ra đã được ký kết mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng, trong đó phụ nữ được tham gia nâng cao tiếng nói và có những đóng góp quý báu.
- Chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng đã được gắn kết với các nhà mua hàng trên thế giới. Những đơn hàng đầu tiên đã được thực hiện trong năm 2016 mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho công ty thủy sản và cộng đồng nuôi tôm.
- 14 THT/HTX, được hỗ trợ áp dụng P-SIA/GALS, VietGap, ASC (02 HTX được đánh giá P-SIA/GALS)
- 01 HTX đạt VietGAP, 02 THT/HTX hướng tới đạt ASC trong năm 2017
- 10 nhà máy chế biến được hỗ trợ/tập huấn áp dụng Trách nhiệm xã hội (CSR), một số áp dụng thực hành trong chuỗi (03 nhà máy đã được đánh giá)
- 02 nhà máy được hỗ trợ làm báo cáo bền vững (SR).
* Giới đã thay đổi từ trong nhà ra tới cộng đồng
Thông qua áp dụng các phương pháp GALS (học hành và hành động giới), các tác nhân của chuỗi giá trị tôm và cộng đồng. Hướng tới việc cải thiện sản xuất, tăng thu nhập, chia sẻ về việc ra quyết định và phân công lao động, lợi ích giữa nam và nữ trong các hộ gia đình. Sau hơn 2 năm thực hiện đã có sự thay đổi rõ rệt “Giới đã thay đổi từ trong nhà ra tới cộng đồng”.
Trong gia đình:
Sự thay đổi ban đầu chỉ là việc chia sẻ công việc giữa vợ và chồng, sau đó nó được nâng lên ở mức cao hơn “thay đổi về quan niệm giới” i) nhiều hộ gia đình đã có nữ giới tham gia trong nuôi tôm; ii) cho phép người nữ ra ao tôm thời điểm thả tôm; iii) nữ giới chủ động học đi xe máy để có điều kiện tham gia các khóa tập huấn, hội thảo và chia sẻ cộng đồng; iv) nam giới nhận thấy việc đi nhậu là vô bổ, chia sẻ việc nhà là nghĩa vợ - tình chồng.
Lan tỏa trong cộng đồng
Sự thay đổi còn được tạo ra trong cả cộng đồng, tạo ra trong những điều TƯỞNG CHỪNG KHÔNG THỂ. Đã từ lâu Ban chủ nhiệm các HTX/THT gần như 100% là nam giới, nó đi lèm với quan niệm của người dân rằng đây là chuyện lớn, chuyện sản xuất thì vai trò của nam phải là chính và mới ra được quyết sách tốt cho cộng đồng. Thông qua học hỏi và hành động về giới một số HTX tại Sóc Trăng (HTX Thành Đạt, HTX Hòa Đê) nhận thấy vai trò của nữ rất quan trọng, nữ giới có thể làm nên sự cân bằng, tránh những quyết sách nóng vội của nam, nữ giới quản lý và điều hành nguồn vốn tốt hơn nam giới. Do đó, một số HTX/THT đã chủ động thay đổi CƠ CẤU HTX bổ sung thêm nữ vào Ban điều hành/quản trị Hợp tác xã (HTX).
Thông qua thực hành công cụ “Con đường mơ ước”, những kế hoạch sản xuất, phát triển sinh kế bổ sung của các hộ gia đình được xây dựng và thực hiện. Bên cạnh nuôi tôm thành viên các HTX/THT còn phát triển thêm các sinh kế khác như: trồng lúa mì, nuôi gà, heo, bò…Ngoài những mô hình sinh kế bổ sung, trong nuôi tôm bà con cũng áp dụng các mô hình nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hâu như: thả với mật độ thưa; duy trì mô hình tôm –lúa; mô hình sử dụng nước quay vòng; chỉ sử dụng chế phẩm sinh học…
Để chứng kiến những thay đổi và kết quả đạt được trong cộng đồng, đoàn làm việc đã thăm và gặp gỡ trực tiếp với những HTX/THT và tại đó đã nhận định được vai trò của người phụ nữa cần được nâng cao hơn, người phụ nữ có tiếng nói hơn trong cuộc họp và ở đó các hộ gia đình có được sự hạnh phúc bắt nguồn từ sự sẻ chia để cùng nhau xây dựng kinh tế cũng như xã hội phát triển hơn.
Trong đợt làm việc này, đoàn đã đến tham quan và làm việc với Công ty Thủy sản Sạch (Vina Clean Food)- đơn vị đã ký kết 11 hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các HTX/THT tại Sóc Trăng với giá cam kết tăng thêm 5.000 – 7.000 đồng/kg. Trong buổi làm việc những chia sẻ về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện liên kết chuỗi, về thị trường đầu ra và hệ thống chứng nhận dày đặc cũng đã được đoàn và phía công ty thảo luận để cùng tìm giải pháp.
Để tiếp tục tạo thêm những giá trị về sản xuất, chuỗi giá trị và về giới, trong thời gian tới ICAFIS cùng các đối tác sẽ đẩy mạnh hơn nữa dự án GRAISEA và dự án SusV nhằm gắn kết hỗ trợ các công ty về liên kết trong sản xuất, thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) và báo cáo bền vững (SR), tăng cường bình đẳng giới, thực hành tiết kiệm năng lượng và xúc tiến thị trường.
Xuân Lập, Thế Diễn - ICAFIS