Năm 2017 ngành tôm có sự phát triển ấn tượng, với sự tăng trưởng đạt 21% với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong ngành thủy sản Việt Nam và giúp cho ngành thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục 19%. Trong đầu năm 2018 ngành tôm lại tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn mà đặc biệt là trong những tháng gần đây giá tôm thẻ giảm sâu nhất 3 năm, khi phong trào nuôi ao bạt thâm canh và siêu thâm canh đang phát triển rầm rộ và nhiều ao đang trong giai đoạn thu hoạch – làm nông dân gần như không có lãi. Điều này một lần cho thấy nhu cầu ngành tôm cần phải liên kết mạnh mẽ hơn nữa để có những phản ứng kịp thời với những biến động và yêu cầu thị trường giúp cho ngành tôm phát triển bền vững đảm bảo đời sống cho các THT/HTX và người nuôi tôm quy mô nhỏ.
Nhằm tăng cường liên kết, đặc biệt là ở cấp độ liên kết vùng, dự án “Dự Án Phát Triển Chuỗi Giá Trị Sản Xuất Tôm Bền Vững – Công Bằng tại Việt Nam” tài trợ bởi EU, thực hiện bởi ICAFIS và Oxfam tại Việt Nam phối hợp cùng WWF và đối tác 3 tỉnh trọng điểm về nuôi tôm nước lợ gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà mau thực hiện hội thảo “Hợp Tác, Liên Kết Chuỗi Giá Trị NGành Hàng Tôm Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng và Phát Triển Bền Vững 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu – Cà Mau” với hai hoạt động: (i) tham gia hoạt động “Lễ Trao Phí Hỗ Trợ Áp Dụng Tiêu Chuẩn ASC giữa Công Ty Chế Biến Và XNK Quốc Việt và HTX Tân long và HTX Đoàn Kết; (ii) Hội thảo Đánh giá thực trạng liên kết và bài học kinh nghiệm xây dựng vùng nuôi có chứng nhận. Cả hai hoạt động đều nhận được sự tham gia đông đủ của đại diện đối tác, các THT/HTX tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, tổ chức chứng nhận Bureau Veritas và đại diện của địa phương.
Tại lễ trao chi phí hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn ASC của công ty Quốc Việt Cho HTX Tân long và Đoàn Kết. Công ty Quốc Việt đã trao tổng số tiền 124,5 triệu đồng – tương ứng với 50% tổng số tiền hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn ASC. Đây là kết quả của hoạt động thúc đẩy liên kết áp dụng tiêu chuẩn ASC của dự án SUSV cùng với đối tác tỉnh và tổ chức WWF Việt Nam, dự kiến Hai HTX này sẽ thực hiện đánh giá tiêu chuẩn ASC trong tháng 8. Trước đó tại Cà Mau đã có HTX Cái Bát đã thực hiện liên kết và đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn ASC. Tại buổi lễ, đại diện của chính quyền xã Tân Duyệt đánh giá cao sự giúp đỡ của dự án cũng như thể hiện cam kết cùng dự án, WWF và Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau duy trì và thúc đẩy hai liên kết này nhằm giúp cho ngành tôm của xã phát triển Bền Vững góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Hội thảo “HỢP TÁC, LIÊN KẾT VÙNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH TÔM 3 TỈNH SÓC TRĂNG, BẠC LIÊU, CÀ MAU” được đồng chủ trì bởi dự án SUSV, WWF Việt Nam và sở NN và PTNT Cà Mau diễn ra trong ngày 25 với sự có mặt của ông Châu Công Bằng – PGĐ sở NN và PTNT tham gia và trực tiếp điều hành.
Sau phần trình bày của các bên tham gia về thực trạng các liên kết chuỗi mà dự án SUSV và tổ chức WWF đã thúc đẩy trong hơn 2 năm cũng như phần chia sẻ kinh nghiệm/bài học của thúc đẩy các liên kết chuỗi của các bên là phần thảo luận sôi nổi với sự tham gia sôi nổi của cả đại diện dự án SUSV, WWF, đối tác tỉnh và đại diện các THT/HTX.
Trong phiên thảo luận, Ông Nguyễn Văn Lâm – Giám Đốc HTX Cái Bát – đơn vị vừa đạt được chứng nhận ASC đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc liên kết với doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ASC cũng như thẳng thắn chỉ ra những điểm mà các THT/HTX cần cải thiện để liên kết hiệu quả và áp dụng tiêu chuẩn ASC thành công, cũng như mong các cơ quan ban ngành, dự án SUSV tiếp tục tham gia tích cực trong việc thúc đẩy liên kết chuỗi. Tại phần thảo luận, nội dung làm sao nâng cao năng lực và khả năng huy động nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX cũng được nêu ra và nhận được ý kiến phản hồi của các bên.
Tại hội thảo tổ chức Breau Veritas đã trao giấy công nhận đạt tiêu chuẩn ASC cho HTX Cái Bát. Đây là HTX đầu tiên trong chuỗi liên kết của dự án SUSV đạt được tiêu chuẩn ASC tại Cà Mau. Sự thành công ban đầu này sẽ là động lực cho các THT/HTX cũng như các bên liên quan tiếp tục nỗ lực thúc đẩy liên kết và áp dụng tiêu chuẩn ASC. Hiện tại, có 4 HTX tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đang gấp rút chuẩn bị thực hiện đánh giá ASC trong những tháng tới.
Kết thúc hội thảo, Ông Châu Công Bằng đã có bài phát biểu về nhu cầu cấp thiết cần thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn nữa và cải thiện chất lượng các chuỗi liên kết đang có, mong muốn các bên tham gia tiếp tục nỗ lực và cam kết hơn nữa để cùng chung tay vượt qua những khó khăn, rào cản và thách thức cho một ngành tôm phát triển bền vững!
Vũ Thùy - ICAFIS