Gia đình anh Nguyễn Văn Bắp, chị Trịnh Thị Phương Ấp Hòa Nhờ A, Xã Hòa Tú 2, Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã làm nghề nuôi tôm được trên 20 năm. Những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu và môi trường nghề nuôi tôm gặp nhiều khó khắn (dịch bệnh nhiều, thất liên lục, nuôi mấy vụ mới được một vụ). Vậy nên ngoài nuôi tôm vợ chồng anh còn nuôi bò, cấy lúa để tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống gia đình. Cuộc sống vất vả, lam lũ nơi miền quê, vợ chồng anh chị thương nhau nhiều lắm. Nhưng có những lúc vợ chồng anh, chị “không tìm thấy điểm chung” bởi công việc “mỗi người một khác”.
Anh: Nguyệt Nga
Đồng hành cùng nhóm các anh, chị phóng viên trong hoạt động chia sẻ báo chí về dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng -GRAISEA”, tôi có cơ hội được trò chuyện cùng chị Phương vợ anh Bắp.
Được hỏi về hoạt động của gia đình trước dự án, chị ngậm ngùi chia sẻ: Trước đây, nhiều lúc nhìn chồng vất vả mà “xót xa” nhưng mình lại “chẳng biết hỗ trợ sao” vì “công việc nuôi tôm có mình anh ấy làm”. Mình thì chủ yếu làm các công việc gia đình như giặt đồ, nấu ăn, dọn nhà, đi chợ và nuôi bò. Còn công việc “nuôi tôm” chỉ có mình anh làm, anh sợ công việc phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao nên không cho mình làm. Có nhiều lúc anh mắc công chuyện (đi họp, đi đám) là mình không biết cho ăn hay bật quạt sao!. Vụ tới có thả tôm ra sao ? theo hình thức nào? Anh cũng lên kế hoạch một mình hoặc hỏi ý kiến mấy anh, em trong hợp tác xã, còn chỉ hỏi mình về “tiền” thôi vì mình giữ tiền mà.
Chia sẻ sau khi tham gia áp dụng và thực hành công cụ giới GALS: Ban đầu mình cũng thấy ngại vì cũng có tuổi rồi nên chẳng biết vẽ sao. Nhưng càng tham gia càng thấy vui vì vợ chồng có cơ hội được học và chia sẻ cùng nhau. Có lẽ từ những điều học được từ khóa tập huấn mà anh đã có những chia sẻ việc nhà với mình như quét nhà, cắt cỏ, cho bò ăn, còn mình cũng “xông xáo” chia sẻ cùng anh trong công việc nuôi tôm, làm rồi cũng vỡ ra được nhiều thứ. Bữa nay mình đã biết cách cho tôm ăn và biết khi nào cần bật quạt nước, khi anh có công chuyện mình có thể “tiếp” anh được. Vụ thả tôm vừa rồi, tuy là anh quyết hết những cũng có hỏi ý mình xem như vậy có được không ? Mình thì chưa hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi tôm, nhưng đi học nghe mấy anh trong Hợp tác xã trao đổi thì có biết được chút ít nên mình bảo anh “được”. Vậy là hai vợ chồng nhất chí thả “vụ tôm – vụ lúa”, năm nay thời tiết biến đổi nên nuôi tôm thất lắm, nhà mình thì lại ổn vậy nên cả hai vợ chồng đều thấy rất vui.
Câu chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn phải không các bạn ?. Tôi cũng đã làm dự án phát triển gần 10 năm và cũng đã có gia đình được hơn 6 năm. Có lẽ chưa đủ lớn để nói là “trải nghiệm” nhưng cũng đủ để hiểu “mỗi gia đình đều tồn tại những mẫu thuẫn riêng”. Nhiều lúc ta cứ nghĩ “bình đẳng giới” là một chuyện gì đó to tát, thay đổi quan niệm về giới sẽ là cả một quá trình. Và cuộc sống vợ chồng đôi khi chỉ là những “sẻ chia”, “những thay đổi nhỏ” nhưng những thay đổi đó lại làm người ta “ấm lòng” và “thắp lửa” cho cả gia đình.
ICAFIS
GRAISEA NEWS