Mặc dù, được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là việc Ủy ban châu Âu áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Nhưng nhờ sự chỉ đạo và hành động quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, ngành thủy sản đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt 9 tỷ USD, vượt 8,4% so với kế hoạch. Đáng chú ý, các chuỗi liên kết sản xuất thủy sản đều mang lại hiệu quả cao. Có thể nói, đây là năm thành công đối với ngành thủy sản Việt Nam. Để tìm hiểu rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Phóng viên: Ông có thể đánh giá về kết quả hoạt động sản xuất của ngành thủy sản trong năm qua?
Ông Trần Đình Luân: Để có được kết quả tăng trưởng mà ngành thủy sản đã đạt được thì phải nói là có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, rồi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thường xuyên nắm bắt hàng ngày tình hình của nuôi trồng thủy sản, cùng với sự vào cuộc của các địa phương, các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, bà con... thực hiện Kế hoạch hành động về tái cơ cấu của ngành thủy sản.
Có thể nói, trong năm 2018 chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trước mỗi khó khăn đều được nhận diện cảnh báo, nhờ đó, các cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo sát sao để khắc phục hạn chế ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất thủy sản năm 2018.
Năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 228.139 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017; tổng sản lượng đạt khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2%; trong đó, sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 6,0%, nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%. Hầu hết cán nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%; nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%...
Như vậy, so với chỉ tiêu tại phương án tăng trưởng năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất vượt 2,4%; tổng sản lượng vượt 3,0%; trong đó, sản lượng khai thác vượt 2,4%, sản lượng nuôi trồng tượt 3,6% (cá tra vượt 10,4%, tôm nước lợ vượt 0,3%). Diện tích nuôi tôm nước lợ vượt 2,9%...
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chuỗi liên kết trong sản xuất thủy sản hiện nay và cần tập trung vào vấn đề gì để phát triển các chuỗi này?
Ông Trần Đình Luân: Trong kế hoạch tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất, liên kết là một trong những giải pháp đã được đề ra, trong thời gian vừa qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành. Chẳng hạn, chuỗi tôm có thể thấy rõ nhất ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Chuỗi tôm thể hiện liên kết từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Hay đối với sản xuất cá tra thì liên kết từ vùng sản xuất giống, đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến đã từng bước phát huy hiệu quả, đặc biệt vừa qua chúng ta đã triển khai đề án cá tra 3 cấp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Số lượng chuỗi ngày một tăng lên, tương tự như thế đối với khai thác thủy sản, hiện nay các tổ đội sản xuất trên biển và các tàu dịch vụ hậu cần ngày một tăng lên, đảm bảo giảm được tổn thất và nâng cao chất lượng. Một yêu cầu hiện nay nữa là không được vi phạm khai thác bất hợp pháp và truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản minh bạch, rõ rang, công khai.
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã chủ động được khu vực sản xuất, họ chủ động được vật tư đầu vào. Ví dụ, có những doanh nghiệp vừa nuôi, vừa sản xuất giống, vừa có nhà máy chế biến, tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm đấy vẫn thấp so với tổng thể ngành thủy sản. Vì thế, để đảm bảo đồng đều về mặt chất lượng sản phẩm, đảm bảo đủ số lượng để phục vụ cho chế biến xuất khẩu thì việc liên kết giữa các khu vực sản xuất lại với nhau là điều cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Nếu không tổ chức liên kết, mà để cho các hộ nhỏ lẻ làm thì đấy là liên kết ngang. Còn đối với liên kết dọc thì cần sự vào cuộc của các thành phần tham gia, để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đến đúng với các địa chỉ chế biến và xuất khẩu; đồng thời để làm sao chuỗi sản xuất đó được công khai minh bạch và quan trọng là cân đối lại các giá trị trong các thành phần trong chuỗi, đảm bảo hiệu quả để người dân yên tâm đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn mà người tiêu dùng đòi hỏi.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công nghệ trong chế biến thủy sản hiện nay?
Ông Trần Đình Luân: Đối với các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản của chúng ta hiện nay đều đạt những tiêu chuẩn quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận. Tuy nhiên, với mục tiêu trong tái cơ cấu là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt là chế biến hết không để nguyên liệu dư thừa. Như vậy, trong thời gian tới, tôi cho rằng cần đầu tư khoa học công nghệ, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nguyên liệu chúng ta sẵn có, biến những sản phẩm có giá trị gia tăng có thể phục vụ cho con người, phục vụ cho ngành y tế.
Ngoài ra, tôi cũng mong muốn phát triển thị trường, đối với mỗi sản phẩm mới chúng ta cần có hỗ trợ của toàn hệ thống, đặc biệt thông qua các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, tìm hiểu, xúc tiến giúp tiếp cận thị trường nhanh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất.
Phóng viên: Vậy theo ông, thách thức đối với ngành thủy sản trong năm 2019 là gì?
Ông Trần Đình Luân: Mặc dù, chúng ta có nhiều tiềm năng và lợi thế, kể cả xâm nhập mặn, nước biển dâng cũng là lợi thế cho chúng ta mở rộng diện tích thủy sản. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy có rất nhiều thách thức, đặc biệt vừa rồi là biến đổi khí hậu, nắng mưa và thời tiết cực đoan... đấy là những cái bất lợi.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập chúng ta đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do nhưng các thị trường nhập khẩu đều có xu hướng bảo hộ nên đã đặt ra rào cản về kỹ thuật để hạn chế sản phẩm thủy sản nhập khẩu của nước khác.
Đối với cá tra, tổ chức sản xuất lớn đã rõ nhưng một số ngành khác như tôm thì sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn khá nhiều, đó là một trong những hạn chế để chúng ta nâng cao giá trị của ngành.
Ngoài ra, một số lĩnh vực mới như nuôi cá rô phi cũng có nhiều tiềm năng, nhưng việc tổ chức sản xuất phát triển thị trường mới chỉ là bước đầu. Để phát huy hết tiềm năng trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ trong kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt.