Năm 2018, ngành thủy sản đã ghi nhận đạt nhiều kết quả khả quan. Dù vậy, bước sang năm tới, các vấn đề về tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng thông qua chuỗi giá trị, tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu,… vẫn là những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm của ngành.
Trước tình hình trên, ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân (Ảnh: NH)
Phóng viên (PV): Trong năm 2018, việc phát triển sản xuất chủ yếu dựa trên các chuỗi giá trị, vậy với ngành thủy sản thì sao, thưa ông?
Ông Trần Đình Luân: Trong kế hoạch tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất, liên kết là một trong những giải pháp đã được đề ra. Thời gian vừa qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành, ví dụ là chuỗi tôm, có thể thấy rõ nhất ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Chuỗi tôm thể hiện liên kết từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, hay đối với sản xuất cá tra thì liên kết từ vùng sản xuất giống, đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến. Đặc biệt vừa qua chúng ta đã triển khai đề án cá tra 3 cấp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện chuỗi liên kết của chúng ta đã từng bước phát huy hiệu quả.
Tương tự như thế đối với khai thác thủy sản, chúng ta thấy hiện nay các tổ đội sản xuất trên biển đã hình thành tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển thủy sản được tăng lên, đồng thời, đã tổ chức để kết nối từ tàu khai thác đến tàu hậu cần dịch vụ và nhà máy chế biến, đảm bảo chúng ta giảm được tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
PV: Với việc gia tăng liên kết chuỗi, theo ông tỷ lệ thủy sản đánh bắt và nuôi trồng được chế biến sẽ được gia tăng như thế nào?
Ông Trần Đình Luân: Đối với các sản phẩm nuôi trồng, chúng ta thấy rõ là các sản phẩm có giá trị gia tăng thể hiện ở nguyên liệu của chúng ta khi về đến nhà máy, nguyên liệu được đảm bảo chất lượng, đảm bảo số lượng và quy trình. Đối với khai thác hải sản trên biển, chúng ta thấy như cá ngừ, sản lượng khai thác giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng 10% cho thấy rằng thông qua các chuỗi liên kết thì chất lượng nguyên liệu đưa đến nhà máy, đưa đến khu vực chế biến của chúng ta đã được nâng lên rõ rệt.
PV: Về công nghệ trong chế biến thủy sản, ông có đánh giá như thế nào?
Ông Trần Đình Luân: Các nhà máy chế biến của chúng ta đều đạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận. Tuy nhiên, với mục tiêu trong tái cơ cấu của chúng ta là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt là chúng ta chế biến nhằm không để nguyên liệu dư thừa, vì vậy, trong thời gian tới cần đầu tư khoa học công nghệ, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nguyên liệu chúng ta sẵn có để biến những sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ cho con người, phục vụ cho ngành y tế và các ngành khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn phát triển thị trường. Đối với mỗi sản phẩm mới, cần có hỗ trợ của toàn hệ thống, đặc biệt các cơ quan của chúng ta ở nước ngoài, tìm hiểu, điều tra và hướng chúng ta tiếp cận thị trường nhanh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất.
PV: Trong năm 2019 sắp tới, theo ông đâu là những vấn đề thách thức mà ngành thủy sản cần quan tâm tháo gỡ?
Ông Trần Đình Luân: Mặc dù chúng ta có nhiều tiềm năng và lợi thế, kể cả xâm nhập mặn, nước biển dâng cũng là một trong những điều kiện cho chúng ta mở rộng diện tích thủy sản. Cùng với đó, còn có nhiều chương trình khoa học công nghệ hiện nay đang được Chính phủ, các ngành đầu tư, ngoài đầu tư về khoa học công nghệ của nhà nước, chúng ta thấy lĩnh vực tư nhân hiện nay cũng đã vào cuộc rất là mạnh nhằm phát triển công nghệ trong nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 để chúng ta quản lý tốt hơn và tăng cường tính minh bạch công khai của sản phẩm, phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc và có thể đáp ứng được các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy có rất nhiều thách thức, đặc biệt vừa rồi là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa thì mưa rất lớn, nắng thì nắng rất lâu. Đây là những điều bất lợi.
Thứ hai, trong quá trình hội nhập chúng ta có nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng các thị trường hầu như có xu hướng bảo hộ nên đặt ra những rào cản về kỹ thuật để hạn chế sản phẩm thủy sản nhập khẩu của nước khác.
Về tổ chức sản xuất, đối với cá tra của chúng ta, tổ chức sản xuất lớn đã thể hiện rõ nhưng một số ngành khác như tôm thì sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn khá nhiều, đó là một trong những hạn chế khi chúng ta nâng cao giá trị của ngành.
Ngoài ra, một số những lĩnh vực mới như nuôi cá rô phi, việc tổ chức sản xuất, phát triển thị trường của chúng ta mới chỉ là bước đầu nên để phát huy hết tiềm năng trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ trong kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đồng thời, trong từng thời điểm cụ thể, rất linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành để làm sao mà hiệu quả sản xuất đạt mức cao nhất.
PV: Năm 2019, chúng ta tiếp tục triển khai giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, xin ông cho biết đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã triển khai được những hoạt động gì?
Ông Trần Đình Luân: Hiện nay, EU đã cơ bản đồng thuận với chúng ta về các quy định, tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế mới là điều quan trọng. Vì thế, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục rà soát với các địa phương để triển khai các nội dung của Luật Thủy sản, đặc biệt là công tác xác nhận, chứng nhận, công tác điều tra nguồn lợi thủy sản, công tác quy hoạch số lượng tàu thuyền, quy hoạch về khai thác, làm sao để phù hợp với các quy định của Ủy ban Châu Âu.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo BT- Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam