Hội thảo do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (thuộc Hội nghề cá Việt Nam), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đối tác 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh tổ chức.
Theo Hội nghề cá Việt Nam, hiện nay Việt Nam có hơn 40.000ha nuôi nhuyễn thể với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm. Trong năm 2017, các sản phẩm nhuyễn thể, trong đó có nghêu, được xuất sang 42 thị trường trên thế giới, giá trị xuất khẩu đạt 82,3 triệu USD.
TS Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhận định: Tuy đạt nhiều thành quả đáng khích lệ nhưng những năm vừa qua, thủy sản Việt Nam nói chung đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong khai thác (nguồn lợi cạn kiệt, không được quản lý tốt), nuôi trồng (môi trường, dịch bệnh), chế biến và bảo quản, thương mại (rào cản kỹ thuật, các vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm)… Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, để những người sản xuất quy mô nhỏ có điều kiện tham gia, rất cần có những chương trình phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm.
Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam do Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Oxfam và các đối tác đồng tài trợ. Hợp phần chuỗi giá trị nghêu của dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm (2018-2022) tại các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.
Đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: Song song với việc hỗ trợ cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong chế biến và kinh doanh sản phẩm, dự án còn tập trung xây dựng năng lực của các hộ sản xuất quy mô nhỏ và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp đầu ngành; thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi, nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi giá trị; tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường và tín dụng, đồng thời tham gia giám sát và hành động để phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị.
Theo Hồng Đăng, báo Quân đội nhân dân Online