Ông Ngô Công Luận ở HTX Nông ngư 14/10 xã Gia Hòa (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết, từ năm 2016, khách hàng đến tận vuông tôm chứng kiến quy trình nuôi VietGAP của HTX và nhờ vậy tôm đã bán được trực tiếp cho khách, mở ra nhiều triển vọng phát triển.
HTX hiện có 21 thành viên, nuôi 75 ha tôm đang tham gia dự án liên kết chuỗi với doanh nghiệp.
Chứng chỉ minh bạch
Nhiều người trong ngành tôm thường than thở, bây giờ có nhiều chứng chỉ chất lượng, để đạt được rất tốn kém mà hiệu quả đưa lại nhiều khi không tương xứng. Nhưng các chuyên gia phân tích, thế giới mênh mông, nhiều chứng chỉ để đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường, muốn con tôm bơi ra biển lớn thì phải chấp nhận. Từng con tôm cụ thể bơi tới thị trường nào thì đáp ứng tiêu chuẩn ấy, và do đó chuỗi liên kết từ nuôi đến chế biến để đưa con tôm tới người tiêu dùng là nguyên tắc thành công.
Một buổi đối thoại giữa doanh nghiệp mua tôm với người nuôi tôm ĐBSCL, do ICAFIS tổ chức ở Cần Thơ |
Liên kết bền chặt, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh thì con tôm bơi được xa, lâu dài. Như thế, chứng chỉ chất lượng và sự đạt được không phải là mục tiêu, mà đó là một phương tiện minh bạch nhằm nâng cao chất lượng, tạo nền tảng cho liên kết chuỗi bền vững trong ngành tôm.
Công ty Bureau Veritas chuyên chứng nhận ASC theo chuỗi cho hàng triệu tấn thủy sản mỗi năm, trong đó lớn nhất là cá hồi và tôm, nói về giá trị áp dụng chứng nhận ASC trong thực tiễn chính là đề cao sự minh bạch. Vị đại diện này giải thích, thực hiện ASC là quá trình mở với những tiêu chuẩn được mọi người công nhận để có trách nhiệm với nhau, với xã hội và với môi trường.
Doanh nhân Nicholas Leonard (Mỹ) nói thêm, minh bạch chuỗi sản phẩm còn giúp cải thiện chất lượng rõ ràng, liên tục. Cũng là doanh nhân Mỹ, bà Megan Bloomer đánh giá, chính tính minh bạch đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất thì người mua cũng thích, thị trường tiêu thụ sẽ ổn định. Thực hiện minh bạch có nhiều việc phải làm, đại diện các doanh nghiệp chế biến tôm thừa nhận, người nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn, và do đó doanh nghiệp trong chuỗi liên kết có trách nhiệm hỗ trợ để sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Đỗ Thúy Hà ở OXFAM Việt Nam nhấn mạnh, hỗ trợ trước hết là năng lực kỹ thuật tổ chức nền tảng xã hội bền vững và giữ môi trường trong lành. Ông Bùi Chí Thiện ở Cty Thủy sản Sạch đề cập thêm việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo liên kết chuỗi được thực chất, tăng hiệu quả.
Vượt qua nhỏ lẻ
Thực hiện chứng chỉ chất lượng, cái lợi cụ thể trước mắt là thu hẹp được khoảng cách quá lớn giữa doanh nghiệp với người nuôi tôm hiện nay, đang khiến chuỗi sản phẩm tôm quá dài làm giảm khả năng cạnh tranh của con tôm.
Nghiên cứu của ông Đinh Xuân Lập, PGĐ Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) của Hội Nghề cá Việt Nam vào năm 2015 cho thấy, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu chỉ chiếm 14,3% số doanh nghiệp và rất lỏng lẻo. Gần như chưa có các liên kết chính thức nào, việc chia sẻ thông tin giữa các tác nhân cũng thiếu minh bạch.
Một dự án của ICAFIS phối hợp nhiều tổ chức khác, thực hiện đã hơn 1 năm nay ở các tỉnh ĐBSCL nhằm thúc đẩy xây dựng các liên kết chuỗi, kết nối thị trường cho chuỗi tôm. Trong đó, áp dụng thực hành sản xuất tốt theo P-SIA, B-EIA, VietGap, ASC cho 30 tổ hợp tác/hợp tác xã (THT/HTX), 2 vùng nuôi và áp dụng CSR cho 22 nhà máy chế biến.
Kết quả, 291 hộ dân nhận được khoản đầu tư có trách nhiệm thông qua các chương trình áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn bền vững, thực hành quản trị tốt HTX từ các công ty chế biến xuất khẩu và cung ứng vật tư đầu vào. Có 54 hợp đồng liên kết chuỗi được ký từ đầu vào đến đầu ra, đảm bảo kiểm soát chất lượng trong chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, giảm giá thành đầu vào 15 – 20%, tăng giá bán ra 3 – 5%. Có 19/30 HTX/THT; 2 vùng nuôi quy mô nhỏ của hộ dân được tham gia đối thoại liên kết nâng cao tiếng nói cộng đồng.
Kết quả này có ý nghĩa nổi bật là người nuôi tôm quy mô nhỏ có cơ hội được tham gia tiếp cận thị trường quốc tế thông qua liên kết nuôi theo chứng nhận. Từ đó, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, các gian lận thương mại. Tuy nhiên, qua đây cũng hiện rõ khó khăn lớn nhất đang cản trở sự phát triển bền vững chuỗi tôm là hình thức mua bán cũ chưa gỡ được hết khó khăn cho liên kết chuỗi.
Rõ ràng, tư duy nhỏ lẻ với lối sản xuất tùy tiện còn nặng nề. Bà Megan Bloomer bày tỏ, thực hiện tiêu chuẩn chất lượng theo các hợp đồng ký kết thì những nội dung ký kết phải được tuân thủ chặt chẽ. Nếu các hộ nuôi tôm nghiêm túc thực hiện cam kết, doanh nghiệp của bà sẽ mời doanh nghiệp mua tôm ở Mỹ đến gặp gỡ người nuôi tôm nhiều hơn nữa, để sản xuất ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. |