Tài liệu tại Hội thảo “Xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức có bản phân tích diễn biến thị trường tôm nước ta, của Trung tâm Chính sách & Chiến lược nông nghiệp nông thôn Miền Nam; trong đó phân tích sâu “thách thức chuỗi cung ứng tôm” lược trích sau đây.
Công nghệ nuôi lạc hậu
Hiện nay, diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến ổn định 540.000 ha, chiếm 87,8% tổng diện tích tôm; nuôi bán thâm canh, thâm canh chỉ 13.000 ha (chiếm 12,2%); dẫn đến hệ lụy khó gia tăng lượng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành chế biến xuất khẩu, khó áp dụng các đồng quy trình sản xuất tiêu chuẩn.
Số liệu điều tra năm 2015 tại Cà Mau, tỉnh sản xuất tôm nước lợ hàng đầu Việt Nam, chỉ 53% số hộ khảo sát cho rằng có áp dụng phần nào quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn được giới thiệu. Họ giải thích là nếu tham gia hoàn toàn theo các quy trình kỹ thuật đó thì chi phí tăng cao, trong khi giá bán vẫn theo thị trường, nên không có lợi. Quy trình kỹ thuật các hộ thường đề cập là VietGAP, ASC, BAP, GMP, Khuyến ngư. 30% số hộ trả lời có áp dụng quy trình kỹ thuật, song không nhớ tên quy trình đó; chứng tỏ việc giới thiệu quy trình mới chưa mang lại hiệu quả hoặc nhận thức, sự quan tâm của người nuôi đến quy trình còn hạn chế.
Công nghệ nuôi tôm lạc hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thúc đẩy ngành Tôm Việt Nam hòa nhập quốc tế
Dịch bệnh gia tăng
Dịch bệnh EMS vẫn là nỗi lo lớn cho người nuôi tôm và doanh nghiệp, đã biết cách phòng tránh nhưng chưa kiểm soát được. Nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp phá sản vì dịch bệnh này.
Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy số hộ nuôi gặp tình trạng tôm chết hàng loạt đang tăng. Năm 2010 chỉ 21% số hộ gặp tình trạng tôm chết hàng loạt. Con số này tăng lên theo từng năm; năm 2014 có 57,5% số hộ gặp tình trạng này. Bảy tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại bằng 61,57% so cùng kỳ năm 2014.
Các hộ nuôi cho biết, có đến 50% số hộ nuôi gặp dịch bệnh trên tôm. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường, thời tiết thay đổi bất thường và chất lượng giống thấp được hộ nuôi cho là những nguyên nhân chính khiến tôm chết hàng loạt. Điều này có thể được giải thích bằng lý do về sự kết hợp giữa các mô hình nuôi không có tổ chức dẫn đến tình trạng khó kiểm soát dịch bệnh và gia tăng ô nhiễm môi trường.
Cũng theo kết quả điều tra, chỉ 56% số hộ nuôi có ao lắng, 28% số hộ xả nước thải ra kênh mương; 15% số hộ nói xử lý cách khác (có thể xả trực tiếp ra sông?). Kết quả này cho thấy nước thải nuôi tôm chưa được quản lý tốt, tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động nuôi tôm và kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi.
Giá thành sản xuất cao
Nuôi tôm giống là khâu yếu nhất hiện nay, hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài về con giống. Các khâu cung ứng đầu vào như thức ăn, thuốc, hóa chất, đều bị doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Nuôi tôm ở nước ta chủ yếu quy mô nhỏ, tự phát, quy hoạch và phát triển lỏng lẻo nên khó kiểm soát dịch bệnh; vì thế khả năng nuôi tôm thành công ở nước ta thấp. Tất cả những điều này khiến giá thành sản xuất tôm nước ta cao hơn các nước khác trong khu vực trung bình 20% (theo đánh giá của Vietfish).
Khảo sát năm 2015 cho thấy mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến có xác suất thua lỗ rất thấp, chi phí đầu tư cũng thấp, chỉ khoảng 30,8 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, năng suất thấp, chỉ khoảng 0,4 tấn/ha và thời gian nuôi quanh năm. Các khoản chi phí chính là mua giống, công lao động gia đình và cải tạo ao nuôi.
Nuôi bán thâm canh, thâm canh thì thời gian nuôi ngắn (5 - 6 tháng cho 1 vụ tôm sú, 2 - 3 tháng cho 1 vụ tôm thẻ chân trắng). Chi phí đầu tư rất cao, bình quân 358,2 triệu đồng/ha với tôm thẻ chân trắng và 426 triệu đồng/ha với tôm sú. Trong đó, chi phí thức ăn 32 - 36%. Thu nhập và lợi nhuận cũng rất cao nếu thành công, tương ứng 714,2 triệu đồng/ha và 303,6 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu không thành công thì thua lỗ có thể 100 - 200 triệu đồng/ha/vụ.
Việc phân chia lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến chưa hài hòa, thua lỗ luôn thường trực với người nuôi. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ hộ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị thua lỗ chỉ chiếm 1,5%; trong khi, nuôi thâm canh, bán thâm canh 35,4% (nuôi tôm sú thua lỗ 33,3%, tôm thẻ chân trắng 38,7%).
Dư lượng kháng sinh tăng
Cùng với dịch bệnh, tồn dư hóa chất là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu và mất thị phần ở các thị trường lớn.
Việt Nam là 1 trong 3 nước đứng đầu số vụ bị từ chối nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản (theo số liệu tuyệt đối) tại 4 thị trường nhập khẩu lớn EU, Mỹ, Nhật, Úc; đồng thời là nước có số vụ bị từ chối cao nhất trên giá trị hàng xuất khẩu thủy sản tại EU, Mỹ, Nhật. Tổng giá trị trung bình tổn thất hằng năm do bị từ chối nhập hàng thủy sản của Việt Nam 14 triệu USD/năm. Trong đó, tại Mỹ, mặt hàng tôm và cá da trơn chiếm 30% trong tổng số lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ bị trả lại.
Nhìn chung, số lô hàng cá da trơn bị cảnh báo có xu hướng giảm, nhưng mặt hàng tôm số lượng lô hàng bị cảnh báo vẫn cao. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm chất Salmonella và vấn đề thuốc thú y không có danh mục được sử dụng ở Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng trong chuỗi cung ứng xuất phát từ các tác nhân trung gian trong kênh phân phối truyền thống cũng góp phần không nhỏ làm mất dần thị trường của ngành tôm xuất khẩu Việt Nam trên các thị trường lớn, nơi yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Cần có kết nối hợp lý trong hệ thống chính sách quản lý về sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh, khuyến nông đổi mới kỹ thuật, công nghệ nuôi. Tuyên truyền thay đổi ý thức trách nhiệm người nuôi và hệ thống phân phối nội địa để từng bước xây dựng thương hiệu và tạo thế đứng vững chắc cho ngành tôm trên thương trường quốc tế - (Khuyến cáo của Trung tâm Chính sách & Chiến lược Nông nghiệp nông thôn Miền Nam).
Theo khảo sát năm 2015, sau khi thu hoạch tôm, thương lái ngâm (muối) đá để giữ tươi cho tôm trong quá trình vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Việc muối tôm như vậy làm tăng trọng lượng tôm, cho thương lái có lợi theo hai hướng: tăng loại tôm và tăng trọng lượng. Tăng loại tôm là chẳng hạn, tôm sú loại 30 con/kg giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, sau muối đá đạt 27 con/kg sẽ có giá cao hơn. Tăng trọng lượng, theo thương lái, 1 tấn tôm qua muối đá tăng 50 - 100 kg. Hoạt động này diễn ra ở các thương lái thu gom nhỏ và đại lý thua mua lớn. Vấn đề đặt ra ở đây là quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cho tôm
PLPT
GRAISEA NEWS