CHIA SẺ KINH NGHIỆM THỰC HÀNH TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG THỦY SẢN

(Thủy sản Việt Nam) - Đây là chủ đề của buổi hội thảo diễn ra ngày 4/12/2015, tại Khách sạn Luxury Nha Trang, do Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) phối hợp với Tổ chức OXFAM Việt Nam, Hội Nghề cá và SGS Việt Nam tổ chức.

Tham dự Hội thảo có ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam; ông Cai Phước Hùng, Giám đốc Công ty Tư vấn, đánh giá chứng nhận SGS; ông Tưởng Phi Lai, Phó Giám đốc ICAFIS; các công ty BV, Intertek; cùng đại diện Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh; các hiệp hội: VASEP, VINAFIS; Các tổ chức phi chính phủ: WWF, SNV, SFP; Các doanh nghiệp thủy sản…

Những năm gần đây, ngành thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây là một trong những ngành có giá trị tăng trưởng cao, với sản lượng sản xuất tăng gần 4 lần trong 10 năm qua và là một trong 5 ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất hiện nay với mức kỷ lục 7,9 tỷ USD năm 2014, tạo công ăn việc làm cho gần 5 triệu lao động, bao gồm ở cả ba khối: khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Hội thảo hướng đến mục tiêu nâng cao sự hiểu biết của các doanh nghiệp thủy sản về các yêu cầu thực hành trách nhiệm xã hội của thị trường hiện nay, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực hành tốt từ các doanh nghiệp để tạo động lực hướng đến thực hành Trách nhiệm xã hội trong toàn ngành thủy sản Việt Nam. Cụ thể: Hiện trạng ô nhiễm môi trường, khai thác nguồn lợi quá mức, an toàn thực phẩm… ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của chất lượng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Một thách thức quan trọng đối với ngành thủy sản hiện nay là vấn đề phát triển sản phẩm bền vững và có trách nhiệm đối với người tiêu dùng từ các khâu nuôi trồng, khai thác cho đến chế biến, phân phối nhằm đảm bảo cho sự hòa hợp giữa phát triển kinh doanh - xã hội và môi trường.

Ông Đinh Xuân Lập, Điều phối viên Dự án trình bày tham luận tại Hội thảo

Thực hành Trách nhiệm xã hội dần trở nên một yếu tố tất yếu tạo nên khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp cũng như của ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh người tiêu dùng và thị trường ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng đầu ra cho sản phẩm. Tất cả những vấn đề trên được chia sẻ qua các bài tham luận: Nâng cao sức cạnh tranh và hình ảnh ngành thủy sản thông qua thực hành Trách nhiệm xã hội (Đinh Xuân Lập - Điếu phối viên Dự án); Hệ thống Trách nhiệm xã hội và chính sách tìm nhà cung cấp có trách nhiệm (Cai Phước Hùng -Giám đốc Bộ phận chứng nhận Trách nhiệm xã hội Công ty SGS); Tăng cường cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ hướng đến sản xuất có trách nhiệm và chuỗi giá trị toàn cầu (Huỳnh Quốc Tịnh - Quản lý dự án WWF-Vietnam); Giới thiệu và đánh giá tác động xã hội (p-SIA) theo tiêu chuẩn ASC (Lê Văn Bằng - Lê Nguyễn Xuân Điền,  Trung tâm RECERD)…

Hiệu quả của thực hành Trách nhiệm xã hội góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động; Vì sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm tăng cường uy tín và thương hiệu nên giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp; giúp cải thiện môi trường và tái tạo nguồn tài nguyên; Góp phần thu hút các nguồn lao động giỏi và phát triển lâu dài; Nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của cơ sở khai thác thủy sản. Chính vì vậy, đứng trước những tiềm năng và thách thức của ngành, những lợi ích của việc thực hành CSR có thể nhận định Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam.

Ông Cai Phước Hùng, Công ty SGS: ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG…

Ông Cai Phước Hùng (ảnh), Giám đốc Bộ phận Chứng nhận trách nhiệm xã hội của Công ty SGS, đã nhấn mạnh như vậy khi nói về tầm quan trọng của thực hành Trách nhiệm xã hội trong phát triển thủy sản.

Thưa ông, Trách nhiệm xã hội và Chất lượng sản phẩm là những yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam. Ông đánh giá về ý kiến này như thế nào?

Chất lượng sản phẩm và Trách nhiệm xã hội là điều kiện cần và đủ để ngành Thủy sản Việt Nam phát triển và tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các ngành công nghiệp, nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động nói chung và ngành thủy sản nói riêng muốn hội nhập và tham gia vào các thị trường lớn.

 Vậy theo ông, mấu chốt để thực hiện Trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản là gì?

Hiện nay, đa phần doanh nghiệp Việt Nam vẫn cho rằng xây dựng hệ thống Trách nhiệm xã hội là do yêu cầu của các nhà mua hàng mà quên mất là chúng ta muốn phát triển bền vững nhất thiết phải có hệ thống Trách nhiệm xã hội - Cần có tính tự nguyện tuân thủ và làm vì chính doanh nghiệp thì hiệu quả sẽ cao hơn. Ngoài ra, truyền thống khai thác thủy sản và thói quen làm việc của một số ngư dân sẽ có những khó khăn khi áp dụng hệ thống Trách nhiệm xã hội. 

Nếu coi Trách nhiệm xã hội là hành trang bắt buộc để ngành thủy sản Việt Nam hội nhập thế giới thì theo ông, hệ thống các tiêu chuẩn Trách nhiệm xã hội trên thế giới và Việt Nam có sự khác biệt ra sao? Sự khác biệt này có vô hình trung tạo nên rào cản trong quá trình hội nhâp?

Trong quá trình hội nhập, tất nhiên sẽ có các rào cản kỹ thuật mà mọi doanh nghiệp cần phải tuân thủ. Tuy nhiên, độ lệch giữa các tiêu chuẩn quốc tế về Trách nhiệm xã hội và các qui định của Việt Nam là không lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào việc thực hiện tuân thủ và duy trì.

Ở nước ta hiện nay, phần Trách nhiệm xã hội trong mảng khai thác thủy sản hầu như vẫn đang bỏ ngỏ. Theo ông, làm thế nào để nhanh chóng khắc phục khoảng trống này?

Chúng ta cần phải có các hướng dẫn và quy định để các doanh nghiệp nhận thấy rằng áp dụng Trách nhiệm xã hội là tạo ra môi trường làm việc an toàn và đáp ứng được các yêu cầu của luật định cũng như các thông lệ quốc tế mà chúng ta cần phải áp dụng.

Được biết, ICAFIS đang xây dựng Bộ nguyên tắc thực hành Trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại Việt Nam. Theo ông, nếu có Bộ nguyên tắc này, ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi gì?

Nếu có Bộ nguyên tắc thực hành Trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tất nhiên các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp thuận lợi rất nhiều trong quá trình xây dựng và thực hiện hệ thống Trách nhiệm xã hội.

Kế hoạch của SGS trong việc thúc đẩy thực hành Trách nhiệm xã hội trong phát triển thủy sản của Việt Nam?

SGS đã và luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình triển khai xây dựng và thực hiện hệ thống Trách nhiệm xã hội. Chúng tôi luôn có các giải pháp để các doanh nghiệp lựa chọn và thực hiện. SGS cũng đã có các buổi thảo luận, hướng dẫn và chia sẻ thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực hiện hệ thống Trách nhiệm xã hội.

 Bài, ảnh: Nguyệt Nga

ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)

 

 

Share: 

Tin tức khác