Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí được các nhà nhập khẩu quốc tế đặt ra đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Đây được xem là yếu tố giúp tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó có ngành thủy sản. Tuy nhiên, thực hành CSR trong ngành thủy sản tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, chưa được hiểu đúng và thực hành triệt để.
Thủy sản là ngành đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là 1 trong 5 ngành có doanh thu xuất khẩu lớn nhất trên cả nước với doanh thu xuất khẩu năm 2014 đạt 7,92 tỉ USD, tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động. Trong hơn 15 năm qua, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng "nóng" của ngành thủy sản đã đặt ra những thách thức về tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội, như: phá rừng, ngập và nhiễm mặn, ngập nước, phân tán các chất hóa học vào môi trường, sự cạn kiệt và ô nhiễm sinh học của quần thể cá tôm hoang dã, tận diệt hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường đất và nước… Nhiều hoạt động khai thác thủy sản thiếu bền vững vẫn còn tồn tại và chưa được quản lý đúng mức, như: vẫn còn dùng xung điện đánh bắt thủy sản, tình trạng khai thác tận diệt còn phổ biến. Bên cạnh đó, vấn đề hợp đồng lao động, bảo hiểm cho người lao động, an toàn lao động còn nhiều điểm bất cập, chưa có các chế độ phúc lợi đi kèm, xung đột giữa các nhóm lợi ích vẫn chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng và chưa có giải pháp hữu hiệu.
Hằng năm, trong quá trình sản xuất, ngành chế biến thủy sản sử dụng khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu, hàng chục triệu mét khối nước và KWh điện và hàng ngàn tấn hóa chất tẩy rửa, khử trùng,… nên khối lượng chất thải ra môi trường rất lớn, đặc biệt là nước thải hữu cơ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc quản lý và ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc những cam kết bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải, các chất thải nguy hại vẫn còn tồn đọng nhiều trong các cơ sở chế biến thủy sản, nhiều nhà máy còn "né" đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, vi phạm về giờ làm đối với người lao động, điều kiện làm việc chưa đảm bảo… Trước sự gia tăng mối quan tâm về các sản phẩm bền vững và có trách nhiệm từ người tiêu dùng và các nước nhập khẩu thủy sản, ngành thủy sản Việt Nam gần đây đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Trong đó CSR doanh nghiệp là một trong những tiêu chuẩn mới được yêu cầu từ người mua hàng trong những năm gần đây. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp tuân thủ về chất lượng sản phẩm, quyền lợi của người lao động, trách nhiệm với môi trường sinh thái và cộng đồng, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ môi trường, trách nhiệm giải trình… Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã cam kết ủng hộ bộ Quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm (CoC), nhưng trong tiến trình thực hiện, việc áp dụng CoC còn rất hạn chế. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng và sức ép từ các bên liên quan về sự phát triển bền vững và áp lực sản xuất theo tiêu chuẩn và từ những người mua hàng ở các thị trường nước ngoài, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, phát triển bền vững thương mại thủy sản.
Theo một số chuyên gia, thực hành CSR tốt sẽ là mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ của doanh nghiệp đối với xã hội bởi nếu doanh nghiệp thực hành CSR tốt thì xã hội sẽ tốt hơn và sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhờ doanh nghiệp đã thực hiện tốt những điều xã hội yêu cầu. Ông Nguyễn Văn Cư, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, chia sẻ: "Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp luôn coi trọng về CSR. Đó là, doanh nghiệp thực hiện lương bổng hợp lý, người lao động được đối xử tốt, việc làm đó giúp doanh nghiệp thu hút người lao động chất lượng cao, từ đó giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu, doanh thu tăng lên rất nhiều". Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), cho rằng: "Ngành thủy sản tại Việt Nam cơ bản thực hiện rất tốt CSR từ việc thực hiện các chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành sản xuất tốt đối với yêu cầu của người tiêu dùng, yêu cầu của xã hội. Đó là đảm bảo được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt các chứng nhận về việc thực hiện tiêu chuẩn sản xuất và quản lý chất lượng, như: ASC, ISO, VietGAP, Global GAP… Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi trách nhiệm xã hội ngày càng cao và đầy đủ hơn thì khái niệm CSR cũng được nâng lên để phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập. Để CSR được thực hiện tốt, cốt lõi là phải nhận thức rõ được giá trị của CSR trong sản xuất bởi doanh nghiệp thực hành CSR tốt không chỉ mang lại lợi ích về sự phát triển kinh tế bền vững của ngành thủy sản mà còn góp phần đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự chia sẻ công bằng các giá trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo vai trò gắn kết của người sản xuất quy mô nhỏ".
Bài, ảnh: Khánh Nam
Theo: http://www.baocantho.com.vn
ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)