ICAFIS - Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội về môi trường - Điều không thể bỏ qua trong thủy sản

(Thủy sản Việt Nam) - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đang là một tiêu chí đánh giá quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội đảm bảo cho sự phát triển bền vững, bởi kết hợp hài hòa ba yếu tố môi trường - xã hội - kinh tế.

Thủy sản là một trong 5 ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay. Trong những năm gần đây, sản lượng của ngành đã có những bước phát triển nhanh chóng, cả trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Trong giai đoạn 1985 - 2008, sản lượng ngành thủy sản đã tăng gần 4 lần từ 1,16 triệu tấn lên 4,6 triệu tấn. Trong đó, khai thác hải sản tăng 2,4 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,8%/năm; nuôi trồng thủy sản tăng lên gần 8,8 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm (Bộ NN&PTNT, 2009). Tính đến năm 2014 tổng sản lượng thủy sản ước 6,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục 7,92 tỷ USD. Sản phẩm thủy sản hiện có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới (TCTS, 2014). Phát triển kinh tế thủy sản đã thu hút lao động từ khoảng 800 nghìn người năm 1991 tăng lên 3,4 triệu người năm 2000 và đạt 4,7 triệu người năm 2014 (VINAFIS).

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó môi trường luôn là thách thức lớn nhất đặt ra trong chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín và chất lượng thủy sản Việt Nam khi bán ra thị trường thế giới.

Khai thác thủy sản

Khoảng 10 năm nay, hoạt động khai thác hải sản đã nảy sinh nhiều bất cập và được đánh giá là thiếu bền vững. Sản lượng khai thác đã tiệm cận giới hạn cho phép (2,2 triệu tấn/năm), nhiều nguồn lợi hải sản đã có dấu hiệu tổn thương: cá nổi nhỏ đã khai thác vượt quá giới hạn 25 - 30%; hải sản tầng đáy bị khai thác vượt quá giới hạn 30 - 35%, trong đó nhiều giống loài có vòng đời dài (cá mú, cá sủ, hồng…), dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng; Cá nổi lớn mới khai thác 21 - 22% khả năng cho phép và khai thác nhiều hải sản chưa trưởng thành. Sự suy giảm nguồn lợi cá đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đánh bắt. Tỷ lệ cá tạp trong các mẻ lưới ngày càng cao, chiếm 40 - 80% sản lượng đánh bắt tuỳ theo từng loại nghề, đặc biệt tàu lưới kéo chiếm đến 60 - 80%; đây là nhóm nghề đang được quốc tế quan ngại nhất. Nhiều hoạt động khai thác thiếu bền vững, gây tổn hại môi trường vẫn tồn tại và chưa quản lý được.

Nuôi trồng thủy sản

Trong điều kiện sản lượng từ đánh bắt đang chững lại và có hướng giảm thì hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) chính là nguồn cung cho tương lai. NTTS nếu đi đúng hướng, có thể làm giảm áp lực đối với thủy sản tự nhiên và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các cộng đồng địa phương, nhưng cũng có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường.

Sử dụng thức ăn tự nhiên nuôi cá lồng bè gây ảnh hưởng đến môi trường - Ảnh: CTV

Việt Nam đã là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Lĩnh vực này cũng để lại hệ lụy không nhỏ về môi trường. Quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang NTTS đang diễn ra quy mô lớn ở vùng ven biển, làm tăng xâm nhập mặn ở vùng ven biển và nội đồng. Việc chuyển đổi hàng loạt rừng ngập mặn ven biển sang nuôi tôm ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, làm giảm đáng kể độ che phủ rừng ngập mặn ven biển, ảnh hưởng đến chức năng hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chất thải trong NTTS, chủ yếu vật chất hữu cơ (thức ăn thừa thối rữa, phân thủy sản nuôi, bùn đất từ nạo vét ao nuôi…) và các vật chất vô cơ (thuốc, hóa chất, khoáng chất…) số lượng lớn tỷ lệ thuận với sản lượng thủy sản nuôi. Hoạt động nuôi cá biển và nuôi cá ao, lồng bè sử dụng thức ăn tự nhiên phát triển cũng gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường...

Chế biến thủy sản

Mỗi năm, chế biến thủy sản sử dụng khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu, hàng chục triệu m3 nước và kWh điện; hàng nghìn tấn hóa chất tẩy rửa, khử trùng, môi chất lạnh... với khối lượng chất thải rất lớn, nhất là nước thải hữu cơ. Tuy nhiên, vấn đề quản lý và ý thức chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp vẫn chưa thực tốt. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường (chiếm khoảng 4,33% năm 2012). Nhiều doanh nghiệp, cơ sở vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải; khảo sát năm 2012 của Bộ NN&PTNT cho thấy còn 15,92% doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải; 29% chưa áp quy trình công nghệ xử lý nước thải kiểu kết hợp (Cơ học + Hóa lý + Sinh học). Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải còn hạn chế (khó vận hành, thời gian xử lý dài...), công nghệ xử lý nước thải phức tạp, chưa được nghiên cứu riêng phù hợp từng loại hình chế biến thủy sản. Chất thải nguy hại tồn đọng ngày càng nhiều trong cơ sở chế biến thủy sản, việc sử dụng chất tẩy rửa khử trùng trong chế biến thủy sản ngày càng tăng. Lượng chất thải nguy hại khoảng 500 tấn/năm; nhưng hiện nay các cơ sở đang tồn đọng số lượng ngày càng lớn hơn (hàng nghìn tấn) chưa được bảo quản, xử lý; vì nhiều địa phương chưa có cơ quan thu gom và xử lý chất thải nguy hại. Giám sát, thanh tra 402 cơ sở, Bộ NN&PTNT (giai đoạn 2008 - 2011) phát hiện 211 lần vi phạm về môi trường, nhiều nhất là vi phạm về nước thải (51,2%), khí thải (6,2%), chất thải nguy hại (6,6%); số lần vi phạm năm sau nhiều hơn năm trước.

Trách nhiệm xã hội về môi trường

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường được đề cập trong toàn bộ các tiêu chuẩn và nguyên tắc thực hành về xã hội (CSR). Với xu thế phát triển của thời đại, trách nhiệm xã hội được đề cao và được yêu cầu tại nhiều thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty đa quốc gia đều xây dựng các chương trình CSR áp dụng trong hệ thống và đối tác cung ứng của mình trên toàn thế giới như WALMART, COSTCO, SMETA, METRO …

Trách nhiệm về bảo vệ môi trường còn được đề cập sâu trong các tiêu chuẩn và thực hành sản xuất có trách nhiệm được xây dựng trong thời gian qua: GlobalGap, BAP, ASC, SAIP, MSC, FOS, FIP, IFFO, Fairtrade, VietGap, BSCI, ISO 26000, SA8000….

Thúc đẩy thực hành Trách nhiệm xã hội (CSR) trong chuỗi cung ứng thủy sản

Tất cả những vấn đề nêu trên là cơ sở luận chứng cho sự cần thiết phải thực hiện trách nhiệm xã hội và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng thủy sản, đồng thời là những kinh nghiệm bổ ích, có giá trị tham khảo cho các ngành thủy sản Việt Nam nói riêng.

Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Nghề cá Việt Nam tập trung đẩy mạnh và phát triển dự án Thúc đẩy thực hành Trách nhiệm xã hội (CSR) trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản ở Việt Nam, với sự hỗ trợ từ OXFAM Việt Nam, với các mục tiêu chính: đánh giá hiện trạng thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại Việt Nam; rà soát các chương trình, chứng nhận đang áp dụng tại Việt Nam; từ những nghiên cứu đó, xây dựng Bộ nguyên tắc thực hành phù hợp điều kiện, đặc thù của ngành thủy sản Việt Nam; thúc đẩy các tác nhân trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản thực hành, áp dụng; vận động để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn thực hành.

ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)

 

Share: 

Tin tức khác