Thủy sản Việt Nam: Thực hành CSR vì mục tiêu phát triển bền vững

Thủy sản Việt Nam: Thực hành CSR vì mục tiêu phát triển bền vững

Thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) có vai trò quan trọng trong việc phát triển thủy sản bền vững; đồng thời giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và gia tăng lợi nhuận.

Hiện nay, khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - CSR” đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người tiêu dùng… Thực tế cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm xã hội không gây bất lợi cho doanh nghiệp mà ngược lại, đưa đến cho doanh nghiệp những lợi ích đáng kể như giảm chi phí, tăng doanh thu, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường. 

Đặc biệt là, trách nhiệm xã hội đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ rất khó tiếp cận thị trường thủy sản thế giới. Ngược lại, những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thường nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, giá bán tăng, thương hiệu và uy tín được nâng cao. 

Để đạt hiệu quả cao trong việc thực hành trách nhiệm xã hội, chuyên gia Alban Caratis của Fresh Studio đã khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản: “Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động và có chiến lược truyền thông, xây dựng trang thông tin cho doanh nghiệp (được thể hiện bằng cả tiếng Anh) sẽ là lợi thế để giới thiệu thông tin của doanh nghiệp ra thị trường nước ngoài”.

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp thách thức khi áp dụng các hệ thống chứng nhận CSR vì có quá nhiều bộ tiêu chuẩn được đặt ra cho các thị trường khác nhau. Trong bối cảnh đó, cần minh bạch trong sản xuất kinh doanh và xây dựng cổng thông tin để người mua có thể tìm hiểu về doanh nghiệp. Hơn nữa, trách nhiệm xã hội cần được thực hiện một cách chủ động với tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng (thay vì chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn của chứng nhận).

Các tiêu chuẩn chứng nhận phổ biến

Tổ chức Chứng nhận Knowledge & Assurance Certification (KNA Cert) khuyến khích các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thực hành trách nhiệm xã hội một cách nghiêm túc; đồng thời trên trang web của mình, KNA Cert đã cung cấp thông tin chi tiết, chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp chọn lựa, áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội để tạo giá trị thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Tiêu chuẩn SMETA (Sedex Members Ethical Trade Audit) là tiêu chuẩn quốc tế, tự nguyện và đầy đủ, cung cấp các quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu; chứng minh sự tuân thủ về trách nhiệm xã hội; hướng tới cải tiến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu; mở ra nhiều cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn URSA (Understanding Respondible Sourcing Audit) là tiêu chuẩn đánh giá nguồn cung ứng có trách nhiệm. Cụ thể là, đánh giá thực hành của các nhà cung cấp dựa trên các tiêu chuẩn về lao động, sức khỏe, an toàn, nhân quyền, đạo đức kinh doanh và các vấn đề khác liên quan đến môi trường.

Tiêu chuẩn chứng nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp BSCI (Business Social Compiance Initiative) là tiêu chuẩn quốc tế, tự nguyện và đầy đủ, cung cấp các quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng ở châu Âu.

Giấy chứng nhận WRAP certificate/ Chứng chỉ WRAP (Worldwide Respondible Accredited Production) được công nhận toàn cầu; đảm bảo  việc tuân thủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là chương trình lớn nhất thế giới, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực may mặc. Ngoài ra, tổ chức WRAP cũng vận hành chương trình đào tào tuân thủ trách nhiệm xã hội toàn diện. 

Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA 8000 (Social Accountability) là bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên “Tuyên bố toàn cầu về Nhân quyền”, các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em; với mục tiêu hướng tới là cải thiện môi trường và điều kiện làm việc toàn cầu. Đối tượng áp dụng SA 8000 là bất kì tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có quy mô từ nhỏ đến lớn…

Tập huấn CSR cho doanh nghiệp thuỷ sản 

Để đồng hành cùng các doanh nghiệp thủy sản trong việc thực hiện “Chứng nhận trách nhiệm xã hội”, cuối tháng 6/2023, Trung tâm Hợp tác Quốc tế và Nuôi trồng Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) – Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), Liên đoàn Công nghiệp thương mại Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn “Các lỗi thường gặp trong đánh giá Trách nhiệm xã hội ngành Thủy sản”. Qua đó, từng bước giúp các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. 

z4512963529169_5659a09dc97f7d39c371a8943efe84bf.jpg

Khoá tập huấn có sự tham gia của 43 học viên đến từ 12 công ty Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại khóa học, các học viên đã được truyền tải các nội dung về Luật định, quy định có liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vấn đề lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, thương lượng tập thể, lương và phúc lợi khác, giờ làm việc, giờ làm thêm, sức khỏe và an toàn lao động, môi trường làm việc, nạn phân biệt đối xử, đạo đức kinh doanh... Theo ICAFIS, việc thực hành trách nhiệm xã hội phải được doanh nghiệp triển khai toàn diện chứ không chỉ chạy theo mục đích lợi nhuận kinh tế đơn thuần. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tìm kiếm những giải pháp góp phần thay đổi xã hội tốt đẹp hơn; môi trường xanh, sạch hơn; cùng hướng tới mục tiêu phát triển ngành Thủy sản bền vững. 

z4512963618842_eed03078280bd212d8777bfaa2192da1.jpg

Bên cạnh đó, ICAFIS cũng nhận định việc xây dựng thành công hệ thống công đoàn vững mạnh sẽ tạo nền tảng tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành Thủy sản nói chung. Cuối khóa tập huấn, ICAFIS đã phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổng kết, trao chứng nhận cho các học viên tham dự khóa học. 

Ngọc Thúy – FICen

Share: 

Tin tức khác