(ICAFIS - SCBV) TUYỂN TƯ VẤN “THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP HOÀN THIỆN ĐẠT CHỨNG NHẬN BỀN VỮNG ASC CHO NGHỀ NGHÊU TẠI TỈNH TRÀ VINH”- GIA HẠN LẦN 1

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Tuyển tư vấn “Thực hiện các biện pháp hoàn thiện đạt chứng nhận bền vững ASC cho nghề nghêu tại tỉnh Trà Vinh”

(Hoạt động 6.1.4.7 & 6.1.4.8)

  1. Giới thiệu chung

Theo Tổng cục thủy sản, ngành hàng nhuyễn thể đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản, trong thời gian qua với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: ngao, hàu, sò điệp, ốc hương, ốc nhảy, sò huyến, tu hài,… Trong những năm gần đây, nghề nuôi nhuyễn thể ở nước ta phát triển mạnh chủ yếu với 2 đối tượng nuôi chính gồm ngao (nghêu) và hàu Thái Bình Dương, tập trung ở các tỉnh ven biển. Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020, trong đó, nghêu (ngao) là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% gần với 103 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020, đặc biệt, xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng mạnh 37% đạt 87 triệu USD và riêng xuất khẩu nghêu tăng 42% với giá trị 78 triệu USD. 

Tuy nhiên, ở một số địa phương, hoạt động nuôi nghêu còn mang tính tự phát, diện tích vùng triều được khai thác tối đa, dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái vùng triều. Vì vậy để nghề nuôi nghêu tồn tại lâu dài cần phải có sự quan tâm, ý thức của cả cộng đồng trong quản lý, khai thác và nuôi nghêu, vai trò của các thành viên ban quản trị hợp tác xã, thành phần quản lý chủ chốt đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì thực hiện các hoạt động sản xuất nghêu.

Dự án: “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” đươc tài trợ của Liên Minh Châu ÂU (EU), tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp triển khai dự án tại 03 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Dự án được thiết kế nhằm cải thiện thu nhập cho người sản xuất quy mô nhỏ cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao năng lực và hiệu quả kinh doanh theo tiêu chuẩn bền vững tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Một trong những kết quả hướng tới của dự án là người sản xuất quy mô nhỏ của nghêu được nâng cao năng lực để áp dụng các kiến thức sản xuất phù hợp và thực hành các tiêu chuẩn bền vững. Nhằm đạt được những kết quả và mục tiêu đã đề ra, trung tâm ICAFIS phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Trà Vinh thống nhất thực hiện, triển khai các hoạt động hoàn thiện đạt chứng nhận ASC cho nghề nghêu của một số Hợp tác xã nghêu tại tỉnh Trà Vinh.

Để đạt được những kết quả và mục tiêu đã đề ra, Ban quản lý dự án SCBV cần tuyển tư vấn cho hoạt động: “Thực hiện các biện pháp hoàn thiện đạt chứng nhận bền vững ASC cho nghề nghêu tại tỉnh Trà Vinh”.

  1. Mục tiêu

Mục tiêu hoạt động nhằm thực hiện các biện pháp hoàn thiện và khắc phục đạt chứng nhận ASC cho nghề nghêu tại tỉnh Trà Vinh.

Mục tiêu cụ thể:

- Người sản xuất quy mô nhỏ, các tổ nhóm, hợp tác xã vùng dự án được tập huấn và thực hành các nội dung chứng nhận bền vững ASC.

- Tổ nhóm, Hợp tác xã tại tỉnh Trà Vinh đáp ứng đầy đủ  hồ sơ, tài liệu và đảm bảo sẵn sàng cho đánh giá đạt chứng nhận ASC vào cuối tháng 11/2022.

- Người sản xuất quy mô nhỏ, tổ nhóm, hợp tác xã tại tỉnh Trà Vinh sẽ được nâng cao thu thập thông qua việc cải thiện năng lực và kỹ thuật thực hành sản xuất bền vững và tiếp cận với những thị trường khó tính.

- Xây dựng nhóm nòng cốt/nhóm thúc đẩy viên tại các tổ nhóm, hợp tác xã nắm được các nội dung chứng nhận ASC và tổ chức tập huấn cho tổ nhóm, cộng đồng của mình bằng phương pháp học qua thực hành, giúp những người sản xuất quy mô nhỏ áp dụng các kỹ thuật và tuân thủ chứng nhận.

3. Phạm vi công việc

* Phạm vi thực hiện: 4 Tổ nhóm/ Hợp tác xã nuôi nghêu tại tỉnh Trà Vinh

(HTX Thành Công, HTX Đồng Tiến, HTX Tiến Thành và HTX Long Thành).

* Nhiệm vụ:

Tư vấn cần thực hiện một số công việc dưới đây:

- Nghiên cứu tài liệu của dự án và các tài liệu, văn bản chính sách liên quan.

- Thảo luận làm việc với Ban quản lý dự án OXFAM/ICAFIS về phương pháp và cách thức triển khai hoạt động phù hợp.

- Xây dựng, thiết kế chương trình và nội dung đào tạo phù hợp với các Hợp tác xã nhằm tuân thủ và hoàn thiện các biện pháp đạt chứng nhận ASC. Trong đó, có một số nội dung cụ thể như sau:

+ Đánh giá nhanh về các điểm còn thiếu của HTX theo tiêu chí của chứng nhận ASC

+ Soạn các biểu mẫu tuân thủ theo hồ sơ chứng nhận ASC.

+ Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và truy suất nguồn gốc chứng nhận ASC.

+ Hướng dẫn các HTX làm các cam kết bảo vệ môi trường.

+ Đánh giá và viết báo cáo về tác động xã hội có sự tham gia của cộng đồng.

+ Đánh giá và viết báo cáo tác động môi trường và đa đạng sinh học.

+ Đánh giá thử chứng nhận ASC cho 4 HTX sau khi đã thực hiện các biện pháp hoàn thiện và khắc phục.

+ Thực hiện các khóa tập huấn về kiến thức cơ bản của chứng nhận ASC, an toàn lao động, một số biểu hiện nhận diện vùng sản xuất ASC, cụ thể: 1) Xây dựng kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường và đa dạng sinh học vùng nuôi nghêu của HTX; 2) Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ  và biện pháp khắc phục môi trường vùng nuôi; 3) Tập huấn cách phòng chống dịch bệnh cho nghêu thích ứng với BĐKH và môi trường biển; 4) Xây dựng kế hoạch sản xuất trong phòng chống dịch bệnh; 6) Xây dựng và quản lý các nguồn lực hiệu quả trong sản xuất nghêu; 7) Xây dựng các kế hoạch phòng ngừa rửi ro và thảm hoạ môi trường trên biển trong quá trình sản xuất nghêu; 8) Hướng dẫn cách lưu giữ hồ sơ và thông tin khi áp dụng và thực hành chứng nhận bền vững trong sản xuất nghêu. 

- Viết báo cáo và chuẩn bị tài liệu tập huấn, tài liệu phục vụ cho đánh giá chứng nhận ASC.

4. Kết quả mong đợi

Các kết quả đầu ra mong đợi:

- Đề xuất kỹ thuật, chương trình và nội dung tập huấn, hỗ trợ tập huấn phù hợp với nhu cầu từng tổ nhóm tại 3 tỉnh vùng dự án.

- 100% nhóm thúc đẩy viên (ít nhất có 60 thúc đẩy viên) đến từ các tổ nhóm được đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nắm được các nội dung về các tiêu chuẩn chứng nhận ASC và có khả năng tập huấn lại trong cộng đồng, tổ nhóm thành viên.

- 04 tổ nhóm/ HTX nghêu hoàn thiện các tiêu chí, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ và đủ điều kiện đạt chứng nhận ASC vào  cuối tháng 11/2022.

- Báo cáo chi tiết về kết quả thực hiện và các tài liệu xây dựng.

Tất cả các kết quả đầu ra theo yêu cầu phải được nộp cho ban quản lý dự án (OXFAM, ICAFIS)  ở định dạng điện tử, ở dạng bản cứng hoàn chỉnh.

5. Thời gian và địa điểm thực hiện

Khung thời gian cho hoạt động này dự kiến trong 4 tháng (tháng 08/2022 - 11/2022), kể từ ngày ký kết hợp đồng tư vấn dự kiến trong tháng 08 năm 2022 và thời gian để tuyển tư vấn trong thời gian là 15 ngày.

Kết quả lựa chọn nhà tư vấn trong vòng 10 ngày sau khi hết hạn nộp hồ sơ tư vấn.

Bản báo cáo cuối cùng với sự tư vấn từ các chuyên gia ICAFIS/OXFAM chậm nhất là 30/11/2022.

Địa bàn thực hiện: huyện Cầu Ngang và huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh 

6. Yêu cầu đối với tư vấn

Tư vấn cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Có kiến thức chuyên môn/ Bằng cấp thuộc một trong các lĩnh vực sau: Quản lý nguồn lợi và khai thác thủy sản, chuyên môn liên quan đến nuôi trồng thủy sản, Khai thác thủy sản, đặc biệt là chuyên môn sâu về sản xuất nghêu.

- Có chứng nhận đã qua các khóa đào tạo, tập huấn về chứng nhận ASC.

- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện các hoạt động khắc phục đạt chứng nhận ASC cho nghề nghêu.

- Có kinh nghiệm tối thiểu 05 năm trong triển khai dự án (ở vị trí tương đương).

- Có hiểu biết chuyên sâu hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu long.

- Có kỹ năng và kinh nghiệm trong đánh giá nhu cầu đào tạo, phương pháp đào tạo có sự tham gia, quen thuộc với ngành thủy sản ở Việt Nam và hiểu được ngôn ngữ địa phương là một lợi thế;

- Có khả năng trình bày, thúc đẩy thảo luận, tài liệu hóa;

- Có kỹ năng giao tiếp hiệu quả, biết cách giảng dạy/ tập huấn bằng online.

- Cam kết và đáp ứng theo yêu cầu đúng thời hạn.

  1. Thời hạn đối với tư vấn

Hồ sơ dự tuyển tư vấn bao gồm: lý lịch khoa học, đề xuất kỹ thuật và tài chính, được gửi qua email trước 17h, ngày 10 tháng 09 năm 2022 hoặc gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ: 

Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS)

Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội

Người liên hệ: Cô Đinh Thị Thu

E-mail: thu.dinh@icafis.vn hoặc info@icafis.vn.

ICAFIS

Share: 

Tin tức khác