Ngày 29/11/2022, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ công bố Chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao huyện Kim Sơn – tỉnh Ninh Bình.
Ninh Bình được đánh giá là một trong những tỉnh trọng điểm phát triển nghề nuôi nghêu/ngao của Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 1.700 ha, sản lượng bình quân 17 nghìn tấn/năm. Trong những năm qua, UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã định ra nhiều đường hướng chiến lược, thúc đẩy các liên kết chuỗi và áp dụng các hệ thống chứng nhận nuôi bền vững, từng bước nâng cao giá trị và thương hiệu nghêu/ngao Ninh Bình.
Được sự kết nối của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và sự hỗ trợ tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD), từ năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Thanh Hóa (HASUVIMEX) và các hộ nuôi ngao/nghêu huyện Kim Sơn triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Ninh Bình”.
Chứng nhận ASC là tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững được thiết lập bởi Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) với 8 bộ tiêu chuẩn cho 12 loài thủy sản nuôi, trong đó có ngao/nghêu. Sản phẩm đạt chứng nhận ASC được người tiêu dùng ưa chuộng tại nhiều thị trường, nhất là thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Nuôi ngao theo tiêu chuẩn của Chứng nhận bền vững ASC
Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình thường xuyên phối hợp với UBND huyện Kim Sơn hướng dẫn quy trình nuôi, công tác quản lý vùng nuôi cho bà con ngư dân. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với phát triển sản xuất ngao; thực hiện tốt chương trình quan trắc cảnh báo môi trường tại vùng nuôi ngao để đưa ra cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện chương trình giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.
Được sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Kim Sơn, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD), ngày 14/9/2022, vùng nuôi ngao nguyên liệu huyện Kim Sơn (vùng nuôi liên kết HASUVIMEX ở huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình) đã vinh dự trở thành vùng nuôi ngao thứ hai tại Việt Nam và thứ hai trên thế giới đạt Chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata.
Đây là cột mốc quan trọng, góp phần định danh sản phẩm ngao/nghêu Việt Nam vươn tầm quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Chứng nhận này đồng thời giúp ngành nghêu Việt Nam khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Công bố Chứng nhận ASC
Sau 15 năm hình thành và phát triển, vùng nuôi ngao huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã chính thức được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) cấp Chứng nhận ASC, trở thành vùng nuôi ngao thứ hai tại Việt Nam, cũng là thứ hai trên thế giới có được chứng nhận quốc tế này, mở ra cơ hội đưa sản phẩm ngao của Kim Sơn xuất khẩu vào các thị trường mới và các thị trường khó tính trên thế giới. Ngày 29/11/2022, tại Lễ công bố Chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình, đại diện HTX ngao Kim Sơn và đại diện cho 110 hộ nuôi ngao ASC huyện Kim Sơn đã bày tỏ niềm vui, vinh dự khi vùng nuôi ngao của cộng đồng huyện Kim Sơn đã trở thành vùng nuôi ngao thứ 2 trên thế giới đạt được Chứng nhận ASC.
Có thể thấy thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng biển huyện Kim Sơn bãi bồi ven biển (khoảng 1.500 ha) là nơi lý tưởng để phát triển nghề nuôi ngao. Tận dụng lợi thế đó, từ những năm 2006-2010, người dân Kim Sơn đã nghiên cứu đưa con ngao về nuôi với diện tích ban đầu chỉ khoảng vài chục ha. Nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp, hiệu quả kinh tế đem lại cao nên đến nay diện tích nuôi ngao toàn vùng mở rộng ra trên 1.200 ha, sản lượng từ 25-30 nghìn tấn ngao thương phẩm/năm. Ngoài ra, còn sản xuất và cung cấp cho thị trường hàng trăm tỷ con giống ngao/năm.
ASC – chứng nhận quốc tế, mang ý nghĩa to lớn về mặt môi trường, cộng đồng và xã hội
Nghề nuôi ngao tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nâng cao kinh tế hộ gia đình; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ven biển. Trong những năm đầu phát triển, sản phẩm ngao của huyện Kim Sơn chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ nhìn chung rất thấp và giá cả cũng bấp bênh. Nhất là giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19, người dân huyện Kim Sơn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
May mắn là đến cuối năm 2020, được sự giới thiệu kết nối của các cơ quan, ban ngành về “Chương trình nuôi ngao theo Chứng nhận bền vững ASC – liên kết Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Thanh Hóa”, các thành viên trong cộng đồng nuôi ngao Kim Sơn đã xác định: Đây chính là cơ hội lớn để người dân ổn định sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu “Ngao Kim Sơn”. Vì vậy, cộng đồng nuôi ngao Kim Sơn đã đặt quyết tâm cao cùng Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Thanh Hóa (HASUVIMEX) thực hiện tốt các nội dung của “Chương trình nuôi ngao theo Chứng nhận bền vững ASC”.
Với gần hai năm gắn kết, đồng hành, HTX ngao Kim Sơn đã xây dựng được vùng nuôi ngao có diện tích 889,35 ha (chưa kể các vùng phụ cận mà các hộ nuôi đang cố gắng hoàn thiện theo các yêu cầu của tiêu chuẩn ASC); đặc biệt vùng nuôi ngao Kim Sơn đã đặt tọa độ và định vị cho từng vùng nuôi. Ngày 29/11/2022, sau khi kết thúc Lễ công bố Chứng nhận ASC, đại diện cộng đồng nuôi ngao tỉnh Ninh Bình và Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Thanh Hóa đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ liên kết chuỗi.
ASC là chứng nhận không dễ dàng đạt được nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, cơ quan, ban ngành và các chuyên gia tư vấn, cùng với quyết tâm cao của huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung, vùng nuôi ngao Kim Sơn đã vinh dự nhận được “Chứng nhận ASC” – chứng nhận quốc tế, mang ý nghĩa to lớn về mặt môi trường, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, việc duy trì chứng nhận cũng là việc không hề đơn giản. Trong thời gian tới, các hộ nuôi ngao tiếp tục phải gắn kết chặt chẽ, cùng nhau gìn giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo các sản phẩm ngao Kim Sơn đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngọc Thúy - FICen