ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
TẬP HUẤN/ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG CỦA NHÀ MÁY CHẾ BIẾN TÔM TẠI ĐBSCL
(A.2.1.1.2 & A.2.1.1.4)
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Ngành chế biến thủy sản đang ngày càng phát triển và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Với sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, chế biến thủy sản đã đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho trên 4 triệu lao động cả nước, riêng ngành tôm là trên 2 triệu lao động. Ngành chế biến tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị XK thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị XK chiếm 13-14% tổng giá trị XK tôm của toàn thế giới.
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành tôm, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Cho đến nay, có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban Châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam.
Ngành chế biến thủy sản nói chung và tôm nói riêng của Việt Nam có những lợi thế rất lớn như: Nguồn nguyên liệu lớn và khá ổn định; có tiềm năng lớn phát triển diện tích nuôi biển, nuôi sinh thái các giống loài tạo nguồn cung lớn; Sản phẩm đa dạng, phong phú: tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng còn lớn và khả năng đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu; Lực lượng lao động dồi dào; Thị trường tiêu thụ rộng khắp ở 5 châu lục, trong khi tiềm năng phát triển thị trường còn lớn; Có khả năng áp dụng KHCN để giảm giá thành, tăng giá bán các sản phẩm, quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đúng quy chuẩn quốc tế. Đặc biệt trong tháng 7 tới đây, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EVFTA) được chính thức đưa vào áp dụng, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Khi đó các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là con tôm sẽ tăng được sức cạnh tranh so với các nước khác khi xuất khẩu tôm vào thị trường này. Cụ thể, về lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.
Tuy thế ngành chế biến tôm, cụ thể là các công ty chế biến xuất khẩu cũng còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như nhà máy hoạt động chưa hết công suất, công nghệ chế biến đôi khi còn lạc hậu, lao động chưa thực sự gắn bó với nghề. Để duy trì xuất khẩu sang 100 thị trường và phát triển thị trường mới, các công ty tôm Việt Nam phải giữ uy tín bằng cách kiểm soát toàn bộ hệ thống từ thu mua, sản xuất, chế biến đến chính sách lao động để đáp ứng các yêu cầu và quy định ngày càng cao từ thị trường thế giới. Đặc biệt các vấn đề lao động cần được trú trọng. Chính sách lao động như giờ làm việc, lương thưởng, chăm sóc sức khỏe, chế độ sinh sản cho người lao động tại các công ty tôm Việt Nam được áp dụng theo Bộ luật Lao động 2012, Nghị định 45/2013 / NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ… Nhưng việc thực hiện các chính sách này vẫn con chưa thật sự được minh bạch và chỉnh chu, hoặc đôi khi các chính sách này cũng mang lại rắc rối cho doanh nghiệp, chính vì thế cần thiết cần có một đối thoại về chính sách lao động trong các nhà máy chế biến tôm.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á- giai đoạn 2 (GRAISEA 2)” do Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Bangkok tài trợ được thực hiện bởi Tổ chức Oxfam và Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) thực hiện tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu trong thời gian từ 2018-2021. Với mục tiêu chính của dự án: “Thay đổi cuộc sống của những người sản xuất quy mô nhỏ và người lao động trong kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam thông qua tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong phát triển chuỗi giá trị tôm/lúa gạo bền vững và thích ứng với khí hậu " thể hiện thông qua ba đầu kết quả, trong đó có
Kết quả 2: Các công ty ngành tôm/lúa gạo tăng hiệu quả kinh doanh bằng việc áp dụng và thực hiện kinh doanh có trách nhiệm và quy tắc ứng xử quản trị chuỗi giá trị bền vững và bao trùm, tập trung vào nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thích ứng biến đổi khí hậu.
Kết quả 3: Chính quyền (ở cấp trung ương và cấp tỉnh) khuyến khích thực hành kinh doanh có trách nhiệm và quản trị chuỗi giá trị bền vững và bao trùm, tập trung tăng cường năng lực kinh tế cho phụ nữ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu và kết quả đề ra, đặc biệt là các nội dung liên quan đến cải thiện chính sách cho người lao động ngành tôm, Ban quản lý dự án GRAISEA 2 phối hợp cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn “Đối thoại chính sách lao động trong các nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL”.
Trung tâm ICAFIS cần tuyển tư vấn/ chuyên gia để thực hiện công việc nói trên.
II. MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG
Mục tiêu chính của hoạt động là đối thoại đa bên về các chính sách lao động (bao gồm lao động nữ và các chính sách liên quan) trong nhà máy chế biến tôm tại ĐBSCL, thuận lợi và khó khăn, mang đến cái nhìn đa chiều từ đó đưa ra giải pháp, phương hướng điều chỉnh tốt hơn.
Mục tiêu cụ thể
- Tổ chức đối thoại, tư vấn chính sách lao động cho 10-15 nhà máy chế biến/cơ sở tôm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh
- Phổ biến chính sách lao động, công đoàn, chính sách lao động nữ trong nhà máy
- Thúc đẩy đối thoại lấy ý kiến trao đổi giữa người lao động và người sử dụng lao động.
- Thúc đẩy vai trò của công đoàn và nâng cao vị thế, vai trò của lao động nữ trong nhà máy.
III. PHẠM VI CÔNG VIỆC
- Đối tượng tập huấn/đối thoại: Đại diện công đoàn, cán bộ phụ trách, người lao động trong các nhà máy chế biến/cơ sở tôm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh
- Công việc: Tư vấn cần thực hiện một số công việc dưới đây
- Nghiên cứu tài liệu của dự án và các tài liệu, văn bản chính sách liên quan đặc biệt về chính sách lao động.
- Thảo luận làm việc với Ban quản lý dự án OXFAM/ICAFIS về kế hoạch, phương pháp và cách thức triển khai hoạt động.
- Xây dựng kế hoạch triển khai, khung báo cáo.
- Chuẩn bị bài giảng và tham gia giảng dạy các vấn đề liên quan đến chính sách lao động
- Giải đáp các thắc mắc liên quan đến lao động của mọi người tham gia tập huấn, đối thoại
- Viết báo cáo hoạt động
IV. Kết quả mong đợi
Khi thực hiện hoạt động, tư vấn cần cung cấp
- Đề xuất hoạt động
- Báo cáo đề xuất phương án triển khai cho các năm tiếp theo
- Báo cáo hoạt động
- Đưa ra đề xuất giải pháp cho các vướng mắc gặp phải.
V. Thời gian và địa điểm
- Thời gian triển khai hoạt động dự kiến Tháng 7 năm 2020
- Địa điểm tập huấn: Bạc Liêu
- Kết quả lựa chọn tư vấn sẽ có sau 05 ngày kể từ ngày hết hạn hộp hồ sơ.
VI. Yêu cầu đối với tư vấn
Tư vấn cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Tốt nghiệp một trong các lĩnh vực sau: kinh tế nông nghiệp, kinh tế thủy sản, luật lao động
- Có hiểu biết, kinh nghiệm về chính sách lao động, chính sách phát triển doanh nghiệp. Có kinh nghiệp ít nhất 05 năm phổ biến, thực hiên chính sách lao động trong doanh nghiệp, công đoàn và liên đoàn lao động.
- Đã tham gia chủ trì thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tư vấn về vấn đề liên quan đến chính sách lao động
- Có kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện tập huấn, giảng day và có khả năng nghe hiểu các ngôn ngữ địa phương, khả năng trình bày, thúc đẩy thảo luận, tài liệu hóa
- Có kinh nghiệm làm việc với cơ quan quản lý nhà nước
- Có kỹ năng giao tiếp hiệu quả;
- Cam kết thực hiện và đáp ứng theo yêu cầu đúng thời hạn.
VII. Thời hạn đối với tư vấn
Tư vấn ứng tuyển xin vui lòng gửi Sơ yếu lý lịch công việc (CV) bằng tiếng Việt gửi qua email trước 17h, ngày 30tháng 6 năm 2020 và gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ:
Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS)
Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội
Người liên hệ: Nguyễn Thị Ngọc Trang – Cán bộ dự án
E-mail: trang.nguyenngoc@icafis.vn hoặc info@icafis.vn
Hồ sơ dự thầu tư vấn bao gồm các mục sau:
- Phần giới thiệu về lý lịch tư vấn viên và kinh nghiệm liên quan
- Dự thảo kế hoạch hoạt động
- Đề xuất chi phí tư vấn chi tiết
ICAFIS