Ngày 16/8/2019, tại tỉnh Bạc Liêu, Hội nghề cá Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức “Hội nghị thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam”. Hội nghị lần này để tìm ra những giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo phục vụ trong nuôi tôm.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Liên minh châu Âu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản một số tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đại diện các ngân hàng thương mại khu vực phía Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất tôm cùng bà con nuôi tôm khu vực (ĐBSCL) và phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội nghị.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam đã chủ trì Hội nghị.
Hiện nay Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới với hai mặt hàng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.Theo báo cáo của ICAFIS năm 2017, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của 10 tỉnh phía Nam (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận) đạt hơn 428.495 ha và phải sử dụng khoảng 11,980 triệu kWh điện. Dự báo đến năm 2020, diện tích nuôi của 10 tỉnh trên 651,266 ha và lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 30% so với năm 2017.
Tôm là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam (chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản). Sản phẩm tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 164 quốc gia trên thế giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 1,35 triệu lao động.Theo dự báo, sản lượng tôm trung bình tiếp tục tăng trong những năm tới (trung bình 8-10%/năm) kéo theo nhu cầu năng lượng (chủ yếu từ điện) phục vụ cho sản xuất tôm tiếp tục gia tăng. Trong nuôi tôm, năng lượng dùng để phục vụ bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác. Theo phân tích chi phí trong sản xuất tôm, năng lượng điện chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư cho vụ nuôi, cụ thể, chi phí tiền điện cho 1ha/vụ khoảng 50-200 triệu đồng/ha/vụ nuôi. Bên cạnh đó, chi phí về điện năng tiêu thụ trong các nhà máy sản xuất chế biến tôm chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu chi phí sản xuất khoảng 10-20%. Trong đó, các khâu tiêu thụ điện năng lớn như bảo quản cấp đông, hệ thống sản xuất nước đá, hệ thống lạnh trữ đông, kho lạnh, hệ thống điều hòa không khí, chiếu sáng, bơm quạt...
Theo đánh giá của Tổng công ty Điện lực miền Nam, việc đầu tư nguồn điện cho nuôi tôm gặp phải nhiều khó khăn như: việc đầu tư theo quy hoạch với việc đồng bộ cơ sở hạ tầng chưa song hành. Hiện chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành như: hạ tầng cung cấp điện, quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả và an toàn điện, quản lý môi trường.
Đa số các hộ nuôi tôm đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng làm tiêu thụ điện năng cao dẫn đến quá tải điện lưới khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện. Bên cạnh đó, việc cung cấp điện phục vụ các hộ nuôi tôm theo mùa vụ gặp nhiều khó khăn do các hộ nuôi nhỏ lẻ, thời vụ.Việc sử dụng kết hợp nuôi tôm với công suất lớn cũng gây mất cân bằng phụ tải làm gia tăng tổn thất điện năng và không đảm bảo điều kiện vận hành…Từ khó khăn trong việc cung cấp nguồn điện hiện nay cho nuôi tôm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam Nguyễn Văn Lý cho biết, đơn vị đã đề xuất nghiên cứu và triển khai hệ thống năng lượng mặt trời trong nuôi tôm. Hệ thống điện mặt trời nối lưới trong nuôi tôm sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực như phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của đất nước ngày càng văn minh và hiện đại.Cùng đó, tăng tính mỹ quan của công trình, nâng cao hình ảnh về công nghệ năng lượng tái tạo và đề cao tinh thần tiết kiệm điện từ lưới điện quốc gia.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện, giảm phát thải khí khó CO2 ra môi trường.Ngoài ra, tận dụng mặt đất, mặt nước trong nuôi tôm để xây dựng công trình giá trị gia tăng, giảm giá thành trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Hội nghị tập trung lắng nghe các đại biểu, người nuôi tôm, các doanh nghiệp thảo luận về việc lắp đặt các thiết bị điện năng lượng mặt trời trên ao vuông tôm; hiệu quả kinh tế khi đầu tư, giá thành thu mua điện năng lượng tái tạo. Thông qua Hội nghị các đại biểu đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để phát triển ngành tôm một cách bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Phương Nam cho biết, hiện nay tại Bạc Liêu có 12 doanh nghiệp, 2 cơ quan nhà nước và hơn 300 hộ gia đình đang thực hiện nuôi trồng thủy sản (chủ yếu nuôi tôm công nghệ cao). Sản lượng điện cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh vừa đủ nhưng thời gian tới, khi tăng cường phát triển nghề nuôi tôm thì nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng lên rất nhiều. Tỉnh Bạc Liêu đang đi đầu trong khu vực ĐBSCL phát triển năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió, điện mặt trời nhằm mục đích tiến tới sử dụng năng lượng sạch cho nền kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi tôm chủ yếu cho sục khí, chiếu sáng; tiền điện chiếm 7 - 10% chi phí sản xuất nên việc giảm chi phí sử dụng điện là mục tiêu cần thiết hiện nay.
Hiện nay, việc sử dụng năng lượng cho sục khí trong quá trình nuôi tôm là nguyên nhân tiềm ẩn làm gia tăng sự nóng lên của trái đất. Do đó, việc sử dụng điện hiệu quả trong nuôi tôm nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành sản xuất và cải thiện tính bền vững của nghề nuôi tôm nước lợ rất cần thiết.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, mục đích của hội nghị lần này chia sẻ chính sách thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó tập trung cho ngành tôm Việt Nam; nhu cầu sử dụng điện và cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo; những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư năng lượng tái tạo trong ngành tôm; đối thoại đa bên thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm. Thông qua hội nghị này, Hội nghề Cá Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị các cơ quan chức năng như Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các ngân hàng thương mại có cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực ĐBSCL nhằm giảm giá thành sản xuất/nuôi tôm, gia tăng giá trị con tôm, giảm chi phí giá thành để giúp hộ gia đình, doanh nghiệp nuôi tôm nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và có lãi.
Văn Thọ- FIcen