{ICAFIS_SCBV}Tuyển tư vấn: “Xây dựng mô hình trình diễn/ thí điểm về hệ thống xử lý sạch cát và tạp chất cho nghêu thương phẩm tại bãi thu hoạch”

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Tuyển tư vấn: “Xây dựng mô hình trình diễn/ thí điểm về hệ thống xử lý sạch cát và tạp chất cho nghêu thương phẩm tại bãi thu hoạch”

(6.1.5.2)

1.  Giới thiệu chung

     Ở Việt Nam, nghề nuôi nghêu/ngao Meretrix Lyrata có nguồn gốc từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã được nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển. Trong những năm qua, đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ về diện tích và sản lượng nuôi cũng như mức độ thâm canh, vươn lên trở thành một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc… Năm 2019, diện tích nuôi nghêu và các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ ước khoảng 41.200 ha với tổng sản lượng gần 370.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 93,642 triệu USD, trong đó sản phẩm nghêu chiếm 63 triệu USD. Khi nghề nuôi nghêu được đưa vào phát triển, đã khai thác hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động tại Việt Nam. Nghề nghêu có vai trò quan trọng duy trì sinh kế của nhiều hộ dân vùng ven biển, tạo công ăn việc làm cho hơn 200.000 lao động (VCCI, 2018). Tuy nhiên, ngành ngao/nghêu thời gian vừa qua đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và những yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu với các hệ thống chứng nhận dày đặc. Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, đã đặt ra cho Việt Nam yêu cầu phải phát triển bền vững, sản xuất theo hướng đạt được các chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và thúc đẩy các chương trình, dự án tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành Ngao Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Với những cơ hội lớn đó đặt ra cho thị trường nghêu Việt phải đảm bảo được chất lượng nguồn giống, quy trình nuôi trồng phải bền vững, quan tâm về quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao chất lượng nghêu sạch và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

     Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” tại 03 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh (2018-2020) được sự tài trợ của Liên Minh Châu ÂU (EU), tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp triển khai. Dự án hướng tới mục tiêu là góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua phát triển các chuỗi giá trị bền vững và toàn diện. Bên cạnh đó, một trong những kết quả hướng tới là nâng cao năng lực của những người sản xuất quy mô nhỏ áp dụng các kỹ thuật sản xuất phù hợp và thực hành các tiêu chuẩn bền vững. Từ đó họ có thể sản xuất với chất lượng tốt hơn, bền vững hơn cho các thị trường và đồng thời tăng hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, nhiệm vụ nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ cho nghề nghêu tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh là rất cần thiết. Năm 2020, tổng sản lượng nghêu thương phẩm của 3 tỉnh 24.725 tấn nghêu với diện tích khoảng 6.975 ha. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp chế biến nghêu luôn tìm kiếm và không ngừng cải thiện quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đạt giá trị dinh dưỡng cao, chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Tại Việt Nam, mặt hàng nghêu của một số doanh nghiệp cũng có mặt tại các hệ thống siêu thị Citimart, K-Mart, Intimex, Vinmart, Lotte… Bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mong muốn có được các nguồn cung cấp sản phẩm nghêu sạch và an toàn, bền vững. Hiện thế giới có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm có chứng nhận MSC/ASC. Vì vậy, mặt hàng nghêu đạt Chứng nhận MSC cũng chính là một trong những mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới, và đây cũng là cơ hội cho những nhà nuôi trồng, HTX/THT nuôi nghêu định hướng phát triển thêm những công đoạn sơ chế nhằm đảm bảo chất lượng nghêu sạch hơn giúp cho giá nghêu được bán với giá tốt hơn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất.

       Xuất phát từ hiện trạng về hiện trạng sản xuất và nhu cầu phát triển sản phẩm chất lượng an toàn vệ sinh trong tương lai, Ban Quản lý dự án SCBV, cần tuyển tư vấn thực hiện thí điểm mô hình: “Hệ thống xử lý sạch cát và tạp chất cho nghêu thương phẩm tại bãi thu hoạch của Hợp tác xã/THT nuôi nghêu”

2. Mục tiêu hoạt động

- Xây dựng mô hình trình diễn/thí điểm hệ thống xử lý sạch cát cho nghêu thương phẩm tại bãi thu hoạch của Hợp tác xã/THT nuôi nghêu, phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái, tài chính, đặc tính loài và có khả năng nhân rộng cao.

- Tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình. Chia sẻ và lan tỏa kết quả mô hình tới hơn 30 tổ nhóm/ HTX nghêu tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

3. Phạm vi công việc 

  • Phạm vi: Hợp tác xã cho tỉnh Bến Tre.
  • Công việc: Tư vấn cần thực hiện một số công việc (nhưng không giới hạn) dưới đây:
  • Nghiên cứu tài liệu của dự án, báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, lịch mùa vụ thả nghêu giống của các hợp tác xã/ tổ nhóm, báo cáo hoạt đông sản xuất nghêu và các tài liệu liên quan đến hoạt động.
  • Nghiên cứu các tài liệu, đề tài, báo cáo đã thực hiện trước đây tại vùng dự án.
  • Thảo luận làm việc với Ban quản lý dự án OXFAM/ICAFIS về phương pháp và cách thức triển khai hoạt động.
  • Xây dựng, nội dung và phương pháp trình diễn mô hình cho phù hợp.
  • Thực hiện và theo dõi vận hành mô hình.
  • Viết báo cáo và lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia để hoàn thiện kết quả mô hình và chia sẽ những ưu điểm, khuyết điểm và rút kinh nghiệm thực tiễn.
  • 4. Kết quả mong đợi

Các kết quả mong đợi của hoạt động:

  • Đề xuất phương án xây dựng mô hình, xác định diện tích mô hình, kinh phí triển khai, và cách quản lý đảm bảo mô hình hiệu quả.
  • Trình diễn/thí điểm mô hình có hiệu quả, nhân rộng mô hình đến các vùng khác của dự án.
  • Xây dựng tài liệu hóa về kết quả thực hiện mô hình thí điểm.
  • Tất cả các kết quả đầu ra theo yêu cầu phải được nộp cho ban quản lý dự án (OXFAM, ICAFIS) ở định dạng điện tử, ở dạng bản cứng hoàn chỉnh.
  • 5. Thời gian và địa điểm thực hiện

Khung thời gian cho hoạt động này dự kiến trong 3 tháng (tháng 1 – tháng 3/2021).

Kết quả lựa chọn nhà tư vấn trong vòng 7 ngày sau khi hết hạn nộp hồ sơ tư vấn.

Bản báo cáo cuối cùng với sự tư vấn từ các chuyên gia ICAFIS/OXFAM chậm nhất là 30/03/2021.

            Địa bàn thực hiện: tỉnh Bến Tre.

6. Yêu cầu đối với tư vấn

Tư vấn cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Tốt nghiệp một trong các lĩnh vực sau: Thủy sản, Môi trường.
  • Có hiểu biết, kinh nghiệm về chính sách nông nghiệp, chính sách phát triển HTX, THT và liên kết theo chuỗi giá trị nông sản.
  • Có hiểu biết chuyên sâu về canh tác, sản xuất nông nghiệp.
  • Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan về kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, hệ thống sơ chế thủy sản. 
  • Có kinh nghiệm triển khai các mô hình thí điểm hoặc các nghiên cứu áp dụng thực tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nghêu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
  • Có kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện các phương pháp nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu và có khả năng nghêu hiểu các ngôn ngữ địa phương.
  • Có kỹ năng giao tiếp hiệu quả.
  • Cam kết và đáp ứng theo yêu cầu đúng thời hạn.
  • 7. Thời hạn đối với tư vấn

Hồ sơ dự tuyển tư vấn bao gồm đề xuất kỹ thuật và tài chính được gửi qua email trước 17h, ngày 11 tháng 01 năm 2021 và gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ: 

Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS)

Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội

Người liên hệ: Bà Đinh Thị Thu  – Cán bộ dự án ICAFIS

E-mail: thu.dinh@icafis.vn

Hoặc Ông Vương Hoài Quân – Cán bộ dự án ICAFIS

E-mail: hoaiquan.vuong@icafis.vn 

Share: 

Tin tức khác