{ICAFIS-SUSV} Tuyển tư vấn tập huấn CSR thuỷ sản

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU 

HỘI THẢO TẬP HUẤN CHIA SẺ KINH NGHIỆM

“Đánh giá mối nguy trong thực hành trách nhiệm xã hội ngành thủy sản”

1. BỐI CẢNH

Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp (CSR) là một vấn đề không hề mới đã được nhắc đến cách đây trên 50 năm nhưng vẫn giữ nguyên tính hấp dẫn đối với toàn xã hội. Đó là câu chuyện chung của toàn Thế giới và là câu chuyện của Việt Nam.

Trên thế giới: Hầu hết các Công ty đa quốc gia đều xây dựng các chương trình thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) áp dụng trong hệ thống và đối tác cung ứng của mình trên toàn thế giới. Lợi ích của việc thực hành này đã được ghi nhận ở nhiều tập đoàn lớn như: Microsoft, Google, BMW, Apple, Wal-Mart, MeTro, CostCo, Cargill….. Microsoft đã được Forbes xếp hạng số 1 trong danh sách 10 (Top 10) công ty thực hành trách nhiệm xã hội tốt nhất thế giới vào năm 2012. Kết quả này đã giúp công ty tăng doanh thu đạt mức 73,7 triệu USD, tăng 37,6 triệu USD so với năm 2011. BMW cũng là một trong những công ty nằm trong Top 10 trong bảng xếp hạng này. Từ kết quả này, trong năm 2012 doanh số bán hàng của công ty đã tăng đến 9%.

Tại Việt Nam: Trách nhiệm Xã hội đã được thực hiện ở rất nhiều Doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau như Dệt may, da giầy, ngân hàng, thủy sản.... Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây trên 24 Doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã chỉ ra rằng nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao.

Trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản và xu thế thị trường:

Thủy sản làm một trong 5 ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Tính đến năm 2014, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6,3 triệu tấn (tăng 4,4% so với năm 2013). Giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục 8,32tỷ USD, năm 2017. Sản phẩm thủy sản hiện nay có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới (TCTS, 2014).

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm lên là các thách thức liên quan đến: i) ô nhiễm môi trường; ii) khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức; iii) an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người lao động... điều này có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín và chất lượng thủy sản Việt Nam khi bán ra thị trường thế giới.

Xét riêng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), nhiều hệ thống chứng nhận về CSR được các khách hàng quốc tế yêu cầu đối với thủy sản Việt Nam như: SA8000, BSCI, COSTCO, SMETA, METRO, WALMART, BAP, ASC … CSR còn được đề cập dày đặc trong các hiệp định thương mại như FTA, TPP hay trong hướng dẫn bổ sung cho nghề cá quy mô nhỏ của FAO.  

Đánh giá mối nguy là một trong những yêu cầu bắt buộc của thực hành trách nhiệm cho các khâu sản xuất, nhà cung ứng và nhà thầu phụ của công ty…Việc có được kiến thức, kỹ năng và năng lực trong đánh giá mối nguy là một trong những yếu tố then chốt tạo nên sự thành công trong thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) của nhà máy thủy sản.

Nhằm nâng cao năng lực cho các công ty tôm Việt Nam, trong khuôn khổ dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm Bền vững - Công bằng tại Việt Nam (SusV) do Liên minh Châu Âu tài trợ, triển khai bởi OXFAM tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức khóa tập huấn chia sẻ kinh nghiệm về “Đánh giá mối nguy trong thực hành trách nhiệm xã hội ngành thủy sản”.

2. MỤC TIÊU

* Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về đánh giá mối nguy trong thực hành trách nhiệm xã hội cho cán bộ các công ty chế biến, xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

* Mục tiêu cụ thể

- Tập huấn nâng cao năng lực về đánh giá mối nguy trong thực hành trách nhiệm xã hội ở các khâu chế biến tôm, thực hành của nhà máy và với các nhà cung ứng, nhà thầu phụ và trong chuỗi.

- Chia sẻ kinh nghiệm, bài học về các điểm thiếu hụt, điểm lỗi trong quá trình đánh giá mối nguy thực hành trách nhiệm xã hội.

- Thúc đẩy chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các bên trong quá trình thực hành.

3. PHẠM VI CÔNG VIỆC ​

Tư vấn cần thực hiện các công việc nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu dưới đây:

  • Nghiên cứu tài liệu của dự án.
  • Đề xuất khung chương trình tập huấn cho 01 ngày
  • Thảo luận làm việc với Ban quản lý dự án OXFAM/ICAFIS về phương pháp và cách thức triển khai hoạt động.
  • Xây dựng bài giảng cho khóa tập huấn dựa trên khung chương trình đã thống nhất với Ban quản lý dự án SusV
  • Triển khai thực hiện khóa tập huấn
  • Viết báo cáo đánh giá kết quả tập huấn     
  • 4. PHƯƠNG PHÁP

(1) Nghiên cứu tài liệu: Rà soát các báo cáo hiện tại, những tài liệu dự án, báo cáo của các chương trình tập huấn, các chính sách của chính phủ về thực hành trách nhiệm xã hội, an toàn lao động, cháy nổ, hóa chất …

(2) Thực hiện:

Sau đây là cách được gợi ý trong quá trình triển khai khóa tập huấn:

+ Tập huấn có sự tham gia

+ Thúc đẩy đa chiều

+ Thảo luận nhóm

+ Đối thoại để tìm điểm thiếu hụt

+ Tư vấn chuyên gia

5. KẾT QUẢ MONG ĐỢI

Sau khi thực hiện tư vấn cần cung cấp: 

  • Chương trình khung cho khóa tập huấn
  • Bộ tài liệu giảng dạy
  • Bộ câu hỏi, bài tập thảo luận nhóm
  • Báo cáo đánh giá lớp học (bằng tiếng Việt)
  • Báo cáo cuối cùng với các chi tiết ghi chú đáp ứng mục tiêu cụ thể đề ra.

Tất cả các kết quả đầu ra theo yêu cầu phải được nộp cho ban quản lý dự án (OXFAM, ICAFIS) bằng tiếng Việt trong các bản sao cứng và ở định dạng điện tử, ở dạng bản cứng hoàn chỉnh các file định dạng đầy đủ với tất cả các số liệu, bảng biểu và bản đồ bao gồm trong nội dung các văn bản.

6. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN

Thời gian: Tháng 12/2018

Địa điểm: Thành phố Cần Thơ

Tổng số đại biểu: Dự kiến 40 – 50 người là cán bộ phụ trách nhà máy chế biến tôm tại ĐBSCL

7. YÊU CẦU ĐỐI VỚI TƯ VẤN

Tư vấn cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Có kiến thức chuyên môn/ bằng cấp thuộc một trong các lĩnh vực hế biến thủy sản, hệ thống chất lượng, quản trị sản xuất, an toàn lao động….
  • Ít nhất 5- 7 năm kinh nghiệm thực hiện các công việc liên quan
  • Có kinh nghiệm thực tế trong sản xuất và tư vấn cho các nhà máy chế biến thủy sản là một ưu tiên
  • Có khả năng trình bày, thúc đẩy thảo luận, tài liệu hóa;
  • Có kỹ năng giao tiếp hiệu quả;
  • Cam kết và đáp ứng theo yêu cầu đúng thời hạn.

8. THỜI HẠN NỘP HỒ SƠ TƯ VẤN

Ứng viên đáp ứng yêu cầu gửi sơ yếu lý lịch công việc (CV), mô tả chi tiết kinh nghiệm và công việc liên quan đã từng làm qua email trước 17 giờ 00, ngày 05 tháng 12 năm 2018 đến địa chỉ:

Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững – ICAFIS.

Người liên hệ: Đinh Xuân Lập – Phó Giám Đốc ICAFIS, Điều phối dự án SusV

E-mail: lap.dinhxuan@icafis.vn.

Điện thoại: 84-985.024.307

Hồ sơ dự thầu tư vấn bao gồm các mục sau:

  • Giới thiệu về lý lịch tư vấn viên và kinh nghiệm liên quan.
  • Phương pháp nghiên cứu nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu theo thời gian yêu cầu.
  • Thời gian thực hiện khóa tập huấn

Ghi chú: Chỉ những ứng viên được chọn vào vòng phỏng vấn mới được liên hệ.

+ Ăn, ở, đi lại của tư vấn sẽ do dự án SusV chi trả theo định mức của dự án

+ Mức phí tư vấn sẽ dựa trên trình độ, kinh nghiệm và công việc liên quan đã từng làm.

ICAFIS

Share: 

Tin tức khác