Tạo động lực mới cho xuất khẩu thủy sản

Sau một chu kỳ phát triển khá dài, nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam dường như đang đi theo một lối mòn, còn xuất khẩu thì đang trên đà chựng lại, cạnh tranh trong thế yếu. Việc tìm ra những động lực cho ngành thuỷ sản bước vào chu kỳ phát triển mới là điều cần thiết trong lúc này và bắt đầu trước tiên từ việc nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững trong thực tiễn.

Trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam được đánh giá là tăng không đáng kể, đạt dưới 7 tỷ USD. Cả hai ngành hàng quan trọng (tôm, cá tra) đều giảm giá trị. Do chậm đổi mới công nghệ và dịch bệnh, thiếu các chiến lược đột phá, vị thế cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam đang dần suy yếu.

Cạnh tranh trong thế yếu

Với con tôm (ngành hàng lớn thứ nhất trong xuất khẩu thuỷ sản), trong ba năm 2013 – 2015, sản lượng chỉ dao động khoảng 280.000 tấn so với năm 2012 (trên 550.000 tấn). Hồi năm ngoái, Việt Nam đã phải nhập khoảng 120.000 tấn tôm nguyên liệu từ các nước khác.

Ngành hàng lớn thứ hai là cá tra, sau khi đạt 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2012, trong các năm 2013 đến 2015, đã sụt giảm xuống mức một triệu tấn và khả năng năm 2016 sẽ còn giảm tiếp (theo dự báo) và giá hiện nay rất thấp.

Đây cũng chính là những vấn đề được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra mổ xẻ nhân buổi giới thiệu Hội thảo Quốc tế chuyên Ngành Thuỷ sản Việt Nam 2016 diễn ra tại Tp.HCM ngày 13/9 do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp công ty UBM ASIA tổ chức.

Theo nhận định của ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng & khai thác thuỷ sản (ICAFIS), trên thị trường quốc tế, mặt hàng thuỷ sản của chúng ta không phải được đánh giá là hàng hoá cao cấp nhất hoặc có sức cạnh tranh cao, là sự lựa chọn của các bạn hàng quốc tế.

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam dao động từ 7 – 8 tỷ USD mỗi năm nhưng vị thế cạnh tranh đang dần suy yếu

Còn ở thị trường nội địa, như nhận xét của ông Lựu, ngoại trừ các sản phẩm sống, người tiêu dùng đã bắt đầu giảm thiện cảm với hàng tươi, đông lạnh, các sản phẩm khác bởi đã lạm dụng các hoá chất bảo quản thực phẩm, điều kiện chế biến mất an toàn vệ sinh.

Điểm lại chu kỳ trong vòng 15 năm trở lại đây của ngành thuỷ sản Việt, vị Giám đốc ICAFIS nhận định, dù có bước phát triển lớn nhưng bắt đầu có dấu hiệu chựng lại. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của thuỷ sản vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong tăng trưởng khi theo thống kê vào năm 2015, GDP của thuỷ sản đạt 91.185 tỷ đồng (chiếm 19,25% tổng GDP toàn ngành nông - lâm - thuỷ sản và chiếm 3,17% tổng GDP toàn quốc).

Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu do nuôi trồng thuỷ sản mang lại chiếm khoảng 65% – 70%, tuỳ từng năm, đặc biệt phụ thuộc vào giá trị của hai mặt hàng chính là tôm và cá tra, đều từ nuôi trồng.

Giá trị xuất khẩu của con tôm giữ như năm trước nhưng phải nhập nguyên liệu 20% trong khi giá bán lại suy giảm. Còn giá trị xuất khẩu cá tra giảm rõ rệt trên 20%, vì sản lượng giảm và giá bán cũng giảm.

Trong khi đó, nguồn lợi thuỷ sản đã giảm sút nghiêm trọng vì môi trường sinh thái thay đổi (điển hình là lưu vực sông Mêkong đã giảm 250.000 tấn/năm).

Cần tính bền vững

Theo giới chuyên gia, trong quá trình phát triển, thủy sản Việt Nam đã bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn trong dây chuyền sản xuất, công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì vậy, dù là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thủy sản nhưng tính bền vững trong sản xuất của ngành chưa cao, đang bộc lộ những khuyết điểm lớn từ giống, kỹ thuật cho đến thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và tiêu thụ.

Thị trường các nước nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam có thể chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các nước Mỹ, Nhật, EU và các nước phát triển theo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ thuật khắt khe. Còn nhóm thứ hai là vào các thị trường dễ tính hơn như Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo UNIDO, Việt Nam nằm trong ba quốc gia đứng đầu có lượng hàng thuỷ sản nhập khẩu bị từ chối nhập khẩu lớn nhất trên thế giới. Hàng thuỷ sản Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đối diện với nguy cơ mất thị trường, nhất là ba thị trường truyền thống và lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và EU.

Theo khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thuỷ sản từ nhóm nghiên cứu của trường Đại học Nha Trang, điều trước mắt là cần đa dạng hoá thị trường mục tiêu để tồn tại được phân biệt theo mức độ khắt khe của các yêu cầu an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, tính không đồng nhất của các tiêu chuẩn và chuỗi giá trị toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến “lựa chọn chiến lược” cho các DN xuất khẩu. Điều đó đòi hỏi các DN nên hợp tác cả hai theo chiều dọc và chiều ngang trong chuỗi giá trị thuỷ sản.

Dành sự quan tâm lớn ngành thuỷ sản Việt, ông M Ghandi, Tổng Giám đốc công ty UBM ASIA, lưu ý việc đầu tư xây dựng thương hiệu và chú trọng cải thiện đồng bộ chất lượng thuỷ sản xuất khẩu là điều mà các DN Việt Nam nên làm trong lúc này để nâng cao tính cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, thủy sản Việt Nam đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là sản phẩm sơ chế trong khi giá trị gia tăng đối với mặt hàng thủy sản lại chủ yếu do khâu chế biến, đóng gói và hoạt động thương mại mang lại.

“Một khi thuỷ sản Việt có thương hiệu tốt, giá trị xuất khẩu sẽ ổn định và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế hơn. Để nâng cao được nguồn thu nhập cho những nông dân nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam, cần cả một quá trình thay đổi và phấn đấu về lâu dài” – ông M Ghandi chia sẻ.

Vị lãnh đạo của UBM Asia cho rằng với việc sở hữu đường biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc nên ngành thuỷ sản Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển. Điều đó càng đòi hỏi ngành này phải tích cực cập nhật công nghệ mới.

Thế Vinh

 

CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT VÀ ĐĂNG KÝ THAM GIA HỘI THẢO QUỐC TẾ CHUYÊN GÀNH THỦY SẢN THEO LINK:

 

 

Hoặc

 

 

Share: 

Tin tức khác