Khai thác thủy sản bằng điện có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Các hành vi khai thác thủy sản không đúng quy định có tác động rất xấu đến môi trường. Từ ngày 20/5/2024 các hành vi khai thác thủy sản không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo các mức phạt mới. Liên quan đến việc sử dụng điện để khai thác thủy sản, Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định như sau:

(1) Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

(2) Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

(3) Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản theo các mức phạt sau:

- Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;

- Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét;

- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

- Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

(4) Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện trực tiếp từ điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lưu ý: Các mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng nghĩa với việc: Tổ chức vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản sẽ bị phạt tối đa tới 100 triệu đồng.

images1095749_1_2.jpg

Các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

- Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

- Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 và khoản 4 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

- Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

Liên quan đến ngư cụ cấm, Điều 27 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định: (i) Hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. (ii) Hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng. Trong cả 02 trường hợp thì hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.

Cùng với đó, ngư dân cũng phải tuân thủ các quy định khác khi thực hiện hoạt động khai thác thủy sản như việc treo cờ quốc tịch và Quốc kỳ Việt Nam. Cụ thể, theo Điều 30 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, các hành vi vi phạm quy định về treo cờ quốc tịch và Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị xử lí như sau:

- Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi treo cờ không đúng quy định hoặc không treo cờ quốc tịch, Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá khi hoạt động.

- Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.

- Buộc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cờ quốc tịch theo quy định đối với hành vi vi phạm về treo cờ quốc tịch và Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các mức phạt trên áp dụng từ ngày 20/5/2024.

Nguồn: Ngọc Thúy  - FICen, Cục Thủy sản

Share: 

Tin tức khác