ICAFIS - Sự cần thiết phải thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) trong thủy sản

Nguồn :thuysanvietnam.com.vn

Từ cách đây hơn 50 năm, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility hay CSR) đã chính thức xuất hiện khi H.R.Bowen công bố cuốn sách của mình với nhan đề "Trách nhiệm xã hội của doanh nhân" (Social Responsibilities of the Businessmen) năm 1953.

Tuy nhiên từ đó đến nay, thuật ngữ này được hiểu theo nhiều cách khác nhau và chưa đi đến sự thống nhất. Theo Ủy ban châu Âu, Ủy ban điều hành các về đề xã hội và nghề nghiệp thì "CSR là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, phối hợp với người lao động, gia đình của họ, cộng đồng địa phương và xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng có lợi cho việc kinh doanh cũng như sự phát triển chung". Một cách hiểu khác, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, CSR được hiểu như "Cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội".

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây trách nhiệm xã hội đã được áp dụng rộng rãi trong các ngành may mặc, giày da, cơ khí, xây dựng... Tuy nhiên, thủy sản là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, đem lại nhiều ngoại tệ, với nhiều loại hình lao động và lực lượng lao động tham gia ước khoảng 5 triệu lao động nhưng việc thực hiện trách nhiệm xã hội lại chưa được quan tâm nhiều và còn bỏ ngỏ ở nhiều mảng, đặc biệt là mảng khai thác thủy sản.

Sự phát triển và thách thức của ngành thủy sản Việt Nam

Thủy sản là một trong 5 ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay. Trong những năm gần đây, sản lượng của ngành đã có những bước phát triển nhanh chóng, cả trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Trong giai đoạn từ 1985 đến 2008, sản lượng ngành thủy sản đã tăng gần 4 lần từ 1.16 triệu tấn lên 4.6 triệu tấn. Trong đó, khai thác hải sản tăng 2.35 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3.79%/năm; nuôi trồng thủy sản tăng lên gần 8.82 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9.99%/năm (Bộ NN&PTNT, 2009). Tính đến năm 2014, Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6.3 triệu tấn (tăng 4,4% so với năm 2013). Giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục 7.92 tỷ USD (tăng 18% so với năm 2013) và vượt 11,6% so với kế hoạch. Sản phẩm thủy sản hiện nay có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới (TCTSVN, 2014)

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm lên là các thách thức liên quan đến: i) ô nhiễm môi trường; ii) khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức; iii) an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người lao động... điều này có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín và chất lượng thủy sản Việt Nam khi bán ra thị trường thế giới. Xét riêng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhiều hệ thống chứng nhận về CSR được các khách hàng quốc tế yêu cầu đối với thủy sản Việt Nam như: SA8000, BSCI, COSTCO, SMETA, METRO, WALMART, BAP, ASC… Tuy nhiên việc thực hiện  mới bước đầu tập trung  ở các nhà máy chế biến thủy sản (khoảng 30% số nhà máy), và gần như bỏ ngỏ đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản.

 

Có nhiều nhà điều hành doanh nghiệp đánh giá CSR như là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và xem đây là những hoạt động tạo thêm áp lực, tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

CSR được dịch nghĩa là "Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội". Tuy nhiên, cách hiểu này làm cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy áp lực và không thấy rõ được lợi ích mà doanh nghiệp sẽ đạt được từ các hoạt động CSR mang lại.

CSR ngày nay trở nên quan trọng hơn tại môi trường kinh doanh Việt Nam qua hàng loạt vụ việc đáng báo động về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội gần đây như vụ việc Công ty Vedan hủy hoại môi trường sông Thị Vải, vụ việc mua sữa tươi với giá thấp của Công ty Sữa Việt Nam, vụ sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng của Công ty Tân Hiệp Phát, vị đắng khoai tây của Công ty Pepsico Việt Nam và mới đây nhất là vụ việc thu hồi sữa bị dị ứng của Công ty Frieslandcampina (Nguồn: Brandsvietnam). Trong lĩnh vực thủy sản, đầu năm 2015 hàng thủy sản khai thác của Thái Lan bị vướng scandal và cộng đồng quốc tế đặc biệt là Mỹ và châu Âu tẩy chay vì sử dụng lao động nô lệ cưỡng bức và đẩy những tập đoàn thủy sản lớn của Thái Lan vào thế vô cùng khó khăn vì có liên quan;  năm 2008, tổ chức Humane Society đã phát động chiến dịch tẩy chay thủy sản Canađa tại hơn 3.600 nhà hàng và các cửa hàng tạp hoá trên toàn nước Mỹ, trong đó có Harris Teeter, Legal Sea Foods, Whole Foods Markets, Trader Joe's, và Oceanaire Seafood Room...

Những vụ việc này không những thể hiện sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự yếu kém trong việc xác định những thách thức và các vấn đề bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp trong môi trường mà doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh. Điều này vượt ra khỏi giới hạn việc nộp thuế, tạo công ăn việc làm và bảo vệ môi trường.

 Ngày nay, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn đặt tiêu chí xây dựng CSR là trọng tâm trong tổng thể chiến lược kinh doanh nhằm thức đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết một cách sáng tạo những vấn đề và thách thức trong quá trình kinh doanh và phát triển. Cách tiếp cận CSR mới có thể vừa hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh lâu bền và đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ và cải thiện tiêu chuẩn xã hội (Nguồn: Brandsvietnam).

Sự cần thiết thực hành trách nhiệm xã hội trong thủy sản

Trước những tiềm năng và thách thức của ngành, có thể nhận định trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam. Triển khai CSR không chỉ mang lại lợi ích cho ngành thủy sản mà còn vì mục tiêu lớn hơn là phát triển bền vững và hiểu rộng ra là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo sự công bằng giữa các thế  hệ trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Thực tế trên thế giới đã chỉ ra rằng, lĩnh vực, đơn vị và doanh nghiệp nào thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì lợi ích của họ không những không giảm đi mà còn tăng thêm. Chúng ta có thể phân tích cụ thể dưới đây một số lợi ích về việc thực hiện trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp.

Thứ nhất: Thực hiện CSR góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.  Điều đó có nghĩa rằng, một hệ thống quản lý nhân sự hiệu quả cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và tăng năng suất lao động đáng kể. Chế độ lương, thưởng hợp lý, môi trường lao động sạch sẽ và an toàn, các cơ hội đào tạo và chế độ bảo hiểm y tế, giáo dục đều góp phần giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ và bỏ việc, do đó tạo ra sự ổn định về lao động, giảm chi phí, thời gian tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới cũng như giảm chi phí chung chi phí cho hoạt động nhân sự.

Thứ hai: Thực hiện trách nhiệm xã hội góp phần tăng doanh thu. Một ví dụ điển hình là mô hình khai thác nghêu tại Bến Tre được đánh giá toàn diện và chứng nhận MSC (2009) đã đưa doanh thu của hợp tác xã nghêu tăng 165% và mở rộng thêm 50% thị trường so với 2008, bên cạnh đó giúp nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nghêu làm ăn có lãi và tăng trưởng ổn định khách hàng và giá trị xuất khẩu (Sở NN&PTNT Bến Tre, 2009).

Thứ ba: Thực hiện trách nhiệm xã hội góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty.

Thứ tư: Thực hiện trách nhiệm xã hội góp phần thu hút các nguồn lao động giỏi và phát triển lâu dài.

Mặt khác, khi tiếp cận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chúng ta cần hiểu cả trên phương diện đạo đức lẫn phương diện pháp lý, bên cạnh công tác hoạt động xã hội và từ thiện thì thực thi trách nhiệm xã hội là một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Việc kết hợp cả hai phương diện đạo đức và pháp lý là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tất cả những vấn đề nêu trên là cơ sở luận chứng cho sự cần thiết phải thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung, đồng thời là những kinh nghiệm bổ ích, có giá trị tham khảo cho các ngành thủy sản Việt Nam nói riêng.

Trên tinh thần đó, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Nghề cá Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh và phát triển dự án "Thúc đẩy thực hành Trách nhiệm xã hội (CSR) trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản ở Việt Nam" với sự hỗ trợ từ tổ chức OXFAM Việt Nam, với các mục tiêu chính: i) đánh giá hiện trạng thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại Việt Nam; ii) Rà soát các chương trình, chứng nhận đang áp dụng tại Việt Nam; iii) Từ những nghiên cứu đó xây dựng Bộ nguyên tắc thực hành phù hợp với điều kiện và đặc thù của ngành thủy sản Việt Nam; iv) và thúc đẩy các tác nhân trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản thực hành, áp dụng; v) vận động để Cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn thực hành. 

ICAFIS

ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)

 

Share: 

Tin tức khác