ICAFIS - Doanh nghiệp và câu chuyện Trách nhiệm xã hội

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là một vấn đề không hề mới nhưng vẫn giữ nguyên tính hấp dẫn đối với toàn xã hội. Đó là câu chuyện chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Hiện nay, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được coi như là cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, minh bạch trong sản xuất và nâng cao thương hiệu. Thực hành trách nhiệm xã hội đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. Đó chính là việc cân bằng của ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường.

Thế giới

Hầu hết các công ty đa quốc gia đều xây dựng các chương trình thực hành Trách nhiệm xã hội (CSR) áp dụng trong hệ thống và đối tác cung ứng của mình trên toàn thế giới. Lợi ích của việc thực hành này đã được ghi nhận ở nhiều tập đoàn lớn như: Microsoft, Google, BMW, Apple, Wal-Mart, MeTro, CostCo, Cargill... Microsoft đã được Forbes xếp hạng số 1 trong danh sách 10 (Top 10) công ty thực hành Trách nhiệm xã hội tốt nhất thế giới vào năm 2012. Kết quả này đã giúp Công ty tăng doanh thu đạt mức 73,7 triệu USD, tăng 37,6 triệu USD so với năm 2011. BMW cũng là một trong những công ty nằm trong Top 10 bảng xếp hạng này. Từ kết quả này, năm 2012 doanh số bán hàng của Công ty đã tăng đến 9%.

Bên cạnh đó cũng có những trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về Trách nhiệm xã hội. Việc sử dụng "lao động nô lệ" trên tàu cá của Thái Lan là một trường hợp điển hình khi tạp chí Guadian của Anh phát hiện "những con tàu ma" hoạt động trong ngành công nghiệp thủy sản Thái Lan đã bắt những người nhập cư lao động như những nô lệ. Họ bị các chủ thuyền người Thái mua đi bán lại như món hàng, phải làm việc mỗi ngày 20 tiếng, bị ép sử dụng ma túy để duy trì năng suất, bị đánh đập, bị ném xuống biển nếu không còn sức làm việc… Sau sự kiện này, nhiều nhà mua hàng tại thị trường Mỹ và châu Âu đã từ chối mua hàng thủy sản từ Thái Lan. Theo ước tính từ các chuyên gia và từ các doanh nghiệp thủy sản tại Thái Lan, nước này đã bị thiệt hại hơn 3 tỷ USD (Nguồn: An ninh Thủ đô). 

Tại Việt Nam

Trách nhiệm xã hội đã được thực hiện ở rất nhiều doanh nghiệp: Dệt may, da giầy, ngân hàng... Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã chỉ ra rằng nhờ thực hiện các chương trình Trách nhiệm xã hội, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%,4. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao.

Nghêu Bến Tre là một ví dụ điển hình trong ngành thủy sản nhờ việc chia sẻ lợi ích công bằng từ hoạt động khai thác nghêu, cộng đồng đã tích cực tham gia quản lý và làm nên thành công cho nghề thủy sản đầu tiên tại Đông Nam Á được cấp giấy chứng nhận của Hội đồng Quản lý biển (MSC) năm 2009. Trước đó, 80% lợi nhuận được chia cho bình quân nhân khẩu của hợp tác xã; 20% lợi nhuận còn lại được trích lập 3 quỹ (quỹ đầu tư phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi xã hội và quỹ khen thưởng cho xã viên), sử dụng các loại ngư cụ thân thiện với môi trường và hệ sinh thái xung quanh… Chính nhờ việc chia sẻ lợi ích cộng đồng từ hoạt động khai thác nghêu, đã giúp các HTX nghêu xây dựng một hệ thống quản lý cộng đồng hiệu quả, đây là một trong ba điều kiện then chốt (Khả năng phục hồi quần đàn - Bảo vệ sự toàn vẹn hệ sinh thái và đa dạng sinh học - Hệ thống quản lý hiệu quả) giúp nghề nghêu Bến Tre đáp ứng toàn diện các yêu cầu của MSC trong khi nhiều nghề cá khác ở Đông Nam Á chưa đạt được tại thời điểm đó. Câu chuyện thành công của các HTX nghêu Bến Tre đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, sau khi đạt chứng nhận MSC năm 2009, doanh thu của HTX nghêu tăng 165% và mở rộng thêm 50% thị trường so với 2008 .

Tuy nhiên, thời gian qua ở Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện Trách nhiệm xã hội của mình một cách nghiêm túc. Điển hình là các vụ xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các dòng sông và cộng đồng dân cư như trường hợp của Công ty Vedan, Công ty Thuộc da Hào Dương, Công ty Giấy Việt Trì, Công ty Hyundai Vinashin (Khánh Hòa), Công ty Bột cá Hồng Đức Vượng (Quảng Trị)… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, chế độ bảo hiểm, vấn đề an toàn lao động cũng không còn là hiện tượng hiếm thấy, đã và đang gây bức xúc cho xã hội. Mới đây, Thanh tra tỉnh Cà Mau đã phát hiện ra 25 doanh nghiệp sai phạm trong việc đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động, số tiền sai phạm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Như vậy, thực hành Trách nhiệm xã hội không chỉ là việc phải tuân thủ các quy định của luật pháp mà nó còn là xu thế của thị trường. Đây cũng đang là vấn đề lớn đặt ra cho ngành thủy sản Việt Nam khi mà yêu cầu về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ các nhà mua hàng tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á ngày càng tăng cao. 

>> ICAFIS đang kết hợp với Tổ chức OXFAM và VCCI ở Việt Nam để thúc đẩy Trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực thủy sản. Đây sẽ là một cơ hội mở ra cánh cửa mới để nâng cao giá trị, thương hiệu, thị trường và hình ảnh cho thủy sản Việt Nam.

ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)

 

Share: 

Tin tức khác