Tiền Giang: Thành quả của một quá trình tạo “vàng” trên cát

Tại Việt Nam, nguồn nghêu giống tự nhiên được ví như “vàng trên cát” bởi rất ít tỉnh có nguồn nghêu giống tự nhiên; Hơn nữa, nguồn lợi nghêu giống tự nhiên đang ngày càng suy giảm.

Tiền Giang: Thành quả của một quá trình tạo “vàng” trên cát

Nghêu là đối tượng nhuyễn thể chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Trong đó có nghêu Meretrix lyrata là đối tượng nuôi truyền thống ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển Việt Nam. Trong kế hoạch phát triển sản xuất nhuyễn thể của Việt Nam năm 2020, chỉ tiêu về tổng diện tích nuôi nhuyễn thể là 48.370 ha (trong đó, diện tích nuôi nghêu 23.110 ha, chiếm 47,8%); Tổng sản lượng nhuyễn thể 400.000 tấn (trong đó, sản lượng nghêu 305.550 tấn, chiếm 76,4% với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm). Từ năm 2003 đến nay, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của nghề nuôi nghêu, hiện tượng nghêu chết hàng loạt đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Năm 2009, 2011, 2013, 2015, hiện tượng nghêu chết hàng loạt đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh ven biển: Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nam Định...

Trước diễn biến nghêu chết xảy ra trên diện rộng và tần suất ngày càng cao, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành, nhằm xác định các tác nhân và nguyên nhân khiến nghêu chết hàng loạt. Tuy nhiên, mối liên quan giữa các tác nhân/nguyên nhân mới chỉ được phân tích ở mức độ phòng thí nghiệm (dựa trên các thí nghiệm gây nhiễm thực nghiệm) chứ chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện thực tế. So với các đối tượng nuôi thủy sản khác như tôm, cá thì các nghiên cứu về nguyên nhân/ tác nhân gây chết nhuyễn thể nói chung và nghêu nói riêng trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn hạn chế. Các tác nhân thuộc nhóm ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh (như Perkinsus sp., Bonemia sp.) được xem là nguyên nhân gây chết nhiều loài nhuyễn thể khác nhau trên thế giới. Ở Việt Nam, Perkinsus olseni, các yếu tố môi trường (như: nhiệt độ, độ mặn cao) đã được xem là các nguyên nhân gây chết nghêu trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chi tiết các mối tương quan của các yếu tố sinh vật và phi sinh vật ngoài thực địa và trong điều kiện thực nghiệm để xác định đủ các yếu tố gây chết nghêu ở Việt Nam còn chưa được thực hiện.

Nguồn nghêu giống tự nhiên giúp ổn định sản xuất

Nghêu là một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc… Khi nghề nuôi nghêu được phát triển, đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Nghêu ở Việt Nam chủ yếu là giống Meretrix lyrata, được khai thác lâu đời ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh ven biển khác trên cả nước. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghề nuôi nghêu phát triển mạnh ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh với tổng diện tích năm 2019 là 5.283 ha (trên tổng diện tích bãi biển có thể phát triển nuôi nghêu ở ba tỉnh này là 9.770 ha); Trong đó: Bến Tre 2.873 ha, Tiền Giang 1.950 ha, Trà Vinh 460 ha. Ngoài ra, hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh còn có 274 ha nuôi nghêu bố mẹ và 550 ha nghêu giống chất lượng cao (có thể cung cấp tại chỗ và cung cấp cho các địa phương khác). Tuy nhiên, nguồn nghêu giống tự nhiên mới chính là nguồn lợi giúp các hộ nuôi nghêu chủ động và ổn định sản xuất.

Trong khi biến động môi trường và biến đổi khí hậu đã khiến diện tích có nghêu giống tự nhiên bị thu hẹp lại, nghêu giống xuất hiện trên bãi với số lượng rất ít. Ngành nghêu Bến Tre là ngành ngư nghiệp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã đạt được Chứng nhận MSC của Hội đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council). Tuy nhiên, sau 10 năm được cấp chứng nhận MSC, nguồn lợi nghêu tại một số vùng có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Thậm chí một số hợp tác xã gần như không còn nghêu giống tự nhiên (Bảo Thuận, Bình Minh, Thạnh Lợi) và đây chính là khó khăn lớn khi tái đánh giá MSC tại Bến Tre.

Nghiên cứu mới đây của Dự án“Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” (do Liên Minh Châu Âu tài trợ), được Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) hợp tác với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện, đã chỉ ra rằng: “Trong giai đoạn 2010-2019, hầu hết bãi nghêu tại 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đều có xu hướng thu hẹp về diện tích và thay đổi vị trí phân bố theo hướng càng ngày càng ra xa bờ hơn; Tốc độ giảm về diện tích trung bình là 21,7%; Mật độ và sinh lượng cũng giảm”. Nguyên nhân chính là do quá trình xói lở và bồi tụ diễn ra liên tục, xen kẽ tại các vùng ven biển, trong khi nghêu là là đối tượng nuôi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên và môi trường (như chế độ gió, dòng chảy, thời tiết, bồi lắng, độ mặn).

Bảo vệ nguồn lợi – Đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài

Tại Tiền Giang, ngay từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3652/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 về việc triển khai Đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix lyrata) tại Gò Công, Tiền Giang theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển (MSC - Marine Stewardship Council)” và bắt đầu thực hiện các nội dung chi tiết của Đề tài này từ năm 2013. Đến năm 2015, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục ban hành Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 16/9/2015  “Quy định về việc quản lý khai thác nghêu giống, nghêu bố mẹ và nghêu thương phẩm trên địa bàn tỉnh”; Theo đó: (1) Nghêu thương phẩm đạt kích thước trên 80 con/kg mới được phép khai thác và phải giữ lại ít nhất 10% để bảo tồn nghêu bố mẹ; (2) Đối với nghêu giống có kích thước trên 1.500.000 con/kg không được phép khai thác; chỉ được phép khai thác nghêu giống có kích thước từ 500.000 - 1.500.000 con/kg dưới sự quản lý và cho phép của địa phương; (3) Các ngư cụ huỷ diệt, không thân thiện với môi trường không được phép sử dụng.

Từ năm 2018, tỉnh Tiền Giang đã được chọn làm tỉnh triển khai Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam - SCBV” nhằm hướng đến mục tiêu đạt được Chứng nhận Quốc tế MSC. Chứng nhận MSC có tầm quan trọng vô cùng lớn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm (qua đó, góp phần ổn định sản xuất trong nước). MSC được ví như VISA VIP giúp sản phẩm nghêu của Việt Nam có mặt tại thị trường của hơn 100 quốc gia trên thế giới. Với cách tiếp cận của MSC “khai thác bền vững nguồn lợi nghêu, kết hợp bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên” sẽ là con đường giúp tái tạo nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt là nguồn nghêu bố mẹ và nguồn nghêu giống tự nhiên (vẫn được gọi là: vàng trên cát). Vì vậy, Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn ý thức việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Xác định việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với lợi ích kinh tế lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Chi cục Thuỷ sản và các cơ quan ban ngành của tỉnh đã định hướng: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hiện chương trình nghêu MSC tỉnh Tiền Giang; Chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ trong thực hiện các văn bản pháp luật của nhà nước và của tỉnh về thực hiện bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và khai thác bền vững nguồn lợi nghêu; Củng cố cơ cấu tổ chức các Tổ cộng đồng trong quản lý khai thác bền vững nguồn lợi nghêu; và Xây dựng khu bảo tồn nguồn lợi nghêu (diện tích 350 ha).

Tiền Giang quyết tâm tạo “vàng” trên cát

Theo Tiến sỹ Lê Thanh Lựu – Giám đốc ICAFIS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, “Trong sản xuất thuỷ sản thì nguồn giống có vai trò quan trọng, nó giống như then chốt của cả một ngành hàng, nguồn giống sản xuất nhân tạo đã giúp chúng ta mở rộng nghề nghêu ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Tuy nhiên, theo đặc tính sinh học, các nguồn nhân tạo sẽ bị suy thoái theo thời gian, do đó, việc bảo tồn nguồn bố mẹ và nguồn giống tự nhiên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bảo tồn nguồn gen quốc gia và là điểm mấu chốt trong thực hiện nghêu MSC của tỉnh Tiền Giang, cũng như công tác chọn giống thích ứng với biến đổi khí hậu”. Từ những ý nghĩa lớn lao đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các cơ quan ban ngành trong tỉnh và Dự án Dự án“Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam – SCBV” quyết tâm đạt chứng nhận MSC trong năm 2020 và xây dựng dự án khu bảo tồn nghêu trong năm 2020-2021.

Năm 2020 được ghi nhận là một năm đầy khó khăn cho ngành Nghêu Việt Nam nói chung và nghêu tại tỉnh Tiền Giang nói riêng. Vấn đề môi trường, độ mặn biến động mạnh… đã khiến nghêu chết hàng loạt (hiện tượng xảy ra thành một vệt dài từ tỉnh Quảng Ninh đến Cà Mau), ghi nhận mỗi tỉnh có hàng nghìn ha bị thiệt hại. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường tiêu thụ quốc tế gặp nhiều khó khăn; Việc tiếp cận nguồn vốn để tái sản xuất cũng gặp khó (do nghêu không phải là sản phẩm trong danh mục được ưu đãi).

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như vậy, nghề nghêu tỉnh Tiền Giang lại có những điểm sáng từ nguồn nghêu giống tự nhiên: Nguồn lợi nghêu giống tự nhiên tại Tiền Giang đã xuất hiện nhiều hơn và có dấu hiệu tăng lên đáng kể.

Giám đốc Ban Quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ Từ đầu năm 2020 đến nay, do biến đổi môi trường và độ mặn, trên 70% diện tích nghêu đã thả của địa phương bị thiệt hại, chỉ tính riêng diện tích của Ban bị thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng, việc tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư gặp nhiều khó khăn, Ban đã huy động vốn từ thành viên nhưng cũng chỉ được một phần. May mắn là năm nay, nguồn lợi giống tự nhiên xuất hiện nhiều nên trong thời gian tới sẽ có cơ hội khôi phục sản xuất”. 

Nghêu giống xuất hiện được ví như “vàng trên cát”. Và nguồn nghêu giống xuất hiện trong giai đoạn này đã mang nhiều niềm vui đến với những người làm dự án, nông – ngư dân, các hộ sản xuất nghêu, các doanh nghiệp thủy sản... Ngành nghêu Tiền Giang đang có cơ hội khôi phục sản xuất, tăng thêm niềm tin hướng đến mục tiêu đạt được Chứng nhận MSC cho sản phẩm nghêu tỉnh Tiền Giang - năm 2020.

Ngọc Thúy – FICen

Share: 

Tin tức khác