BAP - Giấy thông hành cho tôm xuất khẩu

Nguồn :thuysanvietnam.com.vn

Với việc 12 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt - BAP 4 sao trên tổng số 67 doanh nghiệp đạt BAP, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới về chứng nhận cao này.

BAP (Best Aquaculture Practices) 4 sao là chứng nhận cấp cao nhất của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu xây dựng. Mục đích là chứng minh cho người mua thủy sản biết nhà sản xuất đã có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Trong bối cảnh chất lượng hàng hóa ngày càng khó kiểm soát, lợi nhuận được xem như yếu tố hàng đầu, thì việc Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu xây dựng hệ tiêu chuẩn BAP bảo vệ người tiêu dùng từ những năm 2000 đến nay đang rất được quan tâm.

Các sản phẩm được chứng nhận sẽ được cấp nhãn “Chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất” in trên bao bì sản phẩm. Đây là một loại “tem” chất lượng uy tín ở Mỹ và châu Âu.

Theo đánh giá chung thì BAP dễ thực hiện hơn một số tiêu chuẩn đánh giá khác do BAP giản tiện và phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như quản lý tại Việt Nam.  BAP thiên về vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm hơn các yếu tố kinh tế và kỹ thuật.

Lợi ích toàn diện

Những nghiên cứu ở ĐBSCL cho thấy người dân ở đây rất quan tâm đến giấy chứng nhận BAP. Các trang trại quan tâm đến mô hình này thường có quy mô 50 - 200 ha. Họ có thể liên kết hoặc cung ứng sản phẩm tôm nguyên liệu cho các nhà máy và việc được cấp giấy chứng nhận BAP sẽ giúp tiêu thụ dễ dàng hơn. Cụ thể là 100% trang trại được cấp chứng nhận BAP đều tiêu thụ thẳng tôm cho các nhà máy chế biến trong khi 80% trang trại không được chứng nhận thì chỉ có thể tiêu thụ tôm cho các thương lái và các vựa tôm.

Theo khảo sát thì các trang trại được chứng nhận đều đáp ứng 45 tiêu chí của BAP đề ra, trong khi các trang trại bình thường chỉ đáp ứng được khoảng 20 tiêu chí.

Các trang trại hiện nay còn sử dụng thuốc, xử lý nước thải chưa tốt, chưa đóng bảo hiểm cho công nhân… khá phổ biến. Do vậy, việc mở rộng doanh nghiệp, trang trại theo tiêu chuẩn BAP không phải dễ dàng. Một vấn đề khác đó là đội ngũ nhân lực để thực hiện được các tiêu chuẩn BAP cũng cần phải đông đảo hơn. Bình quân một lao động có thể quán xuyến được 3 ha tôm theo cách nuôi trồng truyền thống, nhưng để đáp ứng được các tiêu chuẩn của BAP thì các trang trại phải sử dụng tới 3 nhân công trên diện tích này.

Đánh giá về hiệu quả của các cơ sở được chứng nhận BAP thì tất cả đều cho rằng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn vì hai lý do. Trước hết giá tôm bán cao hơn 11% so với tôm không được chứng nhận này, điều quan trọng khác là nhờ được chứng nhận mà việc tiêu thụ tôm cho nhà máy được khơi thông, công việc ổn định, lợi nhuận được duy trì đều đặn, giảm rủi ro do không bị tư thương ép giá

Rất khuyến khích

Các tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng nuôi trồng chế biến mang tầm vóc quốc tế là vấn đề các trang trại quan tâm. Chúng tôi đã dự một cuộc trao giấy chứng nhận cho các trang trại nuôi tôm của ĐBSCL nhân một hội thảo quốc tế, các chủ trang trại đều cho biết: “Ai cũng ước mơ tôm của mình được đánh giá chất lượng cao, tiêu thụ tốt. Điều lo lắng duy nhất đó là thời hạn có hiệu lực của các giấy chứng nhận không dài trong khi chi phí để nhận chứng nhận không rẻ, chưa kể công sức bỏ ra rất nhiều”.

Theo tính toán, chi phí để được cấp chứng nhận BAP cho các trang trại nuôi tôm trên toàn thế giới vào khoảng 0,07 USD/kg. Tuy nhiên để đạt giấy chứng nhận này tại Việt Nam, người nông dân chỉ phải chi số tiền chưa tới 20% chi phí đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thực hiện BAP là tốt cho các cơ sở, vì tuy tốn tiền về khâu mua giống tốt, mật độ thả cao, nhưng giảm được 43% chi phí thức ăn trong quá trình nuôi do ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật. 

>> Việt Nam có 12 doanh nghiệp được cấp chứng nhận BAP 4 sao trên tổng số 67 doanh nghiệp đạt BAP. Trong khi Ấn Độ có 2 doanh nghiệp nhận BAP 4 sao trong số 73 doanh nghiệp đạt BAP; Thái Lan có 7/68; Trung Quốc có 2/26.

N. Anh 

Share: 

Tin tức khác