Tôm có tạp chất - Sẽ bị xử lý hình sự?

Từ năm 2015 trở về trước, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số cơ sở kinh doanh mua bán tôm có hành vi bơm tạp chất vào tôm để thu lợi bất chính.

Từ năm 2015 trở về trước, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số cơ sở kinh doanh mua bán tôm có hành vi bơm tạp chất vào tôm để thu lợi bất chính. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất. Theo đó, vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất; UBND tỉnh chỉ đạo với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp…

Đoàn liên ngành kiểm tra nguyên liệu tôm nghi bơm chích tạp chất tại một cơ sở thu mua tôm. Ảnh: K.P

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, tính đến hết năm 2015, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh, Cảnh sát kinh tế tỉnh (PC 46), và các đơn vị phối hợp tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các phương tiện vận chuyển tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện 8 trường hợp với 2.335kg tôm sú có chứa tạp chất.

Điển hình như đợt kiểm tra ngày 28/8/2015 tại cơ sở Nhân Đức, (do ông Ngô Việt Đức ngụ ấp 21, xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai làm chủ) thì phát hiện hộ kinh doanh này đang cho công nhân bơm tạp chất vào tôm. Qua kiểm tra, lực lượng công an tạm thu giữ 16 thùng chứa gần 500kg tôm đã bơm tạp chất. Chủ cơ sở kinh doanh này thừa nhận, mỗi ngày thuê hàng chục công nhân tại địa phương đến bơm tạp chất (là rong biển nấu chín xay nhuyễn) vào tôm, sau đó chuyển đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng.

Hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 317 theo Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị phạt tiền hoặc bị phạt tù. Mức phạt nhẹ nhất trong Điều 317, người vi phạm cũng có thể bị phạt từ 1 - 5 năm tù cho hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm. Sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe cho con người. Phạm tội với các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Như vậy, từ ngày 1/7/2016, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, nhiều hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe cao với các mức hình phạt tù. Dự kiến đây sẽ là một trong những quy định được chờ đợi nhiều nhất, bởi nó sẽ khiến những đối tượng có ý định kinh doanh, sản xuất gian dối, coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng phải biết dừng lại đúng lúc. Và ngành tôm của Việt Nam cũng được tăng cường thêm một bước về mặt pháp lý để đảm bảo giữ vững chất lượng cũng như uy tín trên thị trường quốc tế, nhất là khi gia nhập TPP.

K.P

Theo: http://m.baobaclieu.vn 

Share: 

Tin tức khác