“Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam”

(Tin Môi Trường) - Nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người sản xuất quy mô nhỏ, người lao động nông nghiệp và giảm thiểu các rủi ro về kinh tế, môi trường và xã hội của phát triển kinh tế nóng do quá trình tự do hóa thị trường, hội nhập và thiếu khung pháp lý hướng dẫn, Oxfam áp dụng phương thức liên kết, tác động doanh nghiệp tư nhân tuân thủ các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế, vận động khung pháp lý nhằm thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXH) được hiểu là “Cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,... theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.

TNXH là nghĩa vụ mà một doanh nghiệp phải thực hiện đối với xã hội, tăng đến mức tối đa các tác dụng tích cực và giảm tới tối thiểu các hậu quả tiêu cực đối với xã hội. Trên thế giới, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, TNXH không còn là vấn đề xa lạ. 
Các doanh nghiệp nếu thực hiện tốt TNXH của mình sẽ đạt được một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ Qui tắc ứng xử (Code of Conduct hay gọi tắt là CoC). Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu ngày càng quan tâm hơn tới ảnh hưởng của việc toàn cầu hoá đối với quyền của người lao động, môi trường và phúc lợi cộng đồng. Những doanh nghiệp không thực hiện TNXH có thể sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế. Ở Việt Nam, vấn đề TNXH của doanh nghiệp còn tương đối mới, sự hiểu biết của phần lớn doanh nghiệp về TNXH chưa đúng và chưa đầy đủ. TNXH chỉ đơn thuần được hiểu là hoạt động tham gia giải quyết các vấn đề xã hội mang tính nhân đạo, từ thiện ví dụ như phát quà cho người nghèo, tham gia tài trợ các chương trình tấm lòng vàng, tổ chức hoặc tham gia trồng cây, dọn rác nơi công cộng,v.v... Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng thực hiện các hoạt động này là họ đã hoàn thành TNXH của mình.
Thực tế trên cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác tuyên truyền, phổ biến về TNXH bởi tất cả những hành vi của con người đều do ý thức của họ điều khiển. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp trở thành động cơ bên trong của mỗi doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình liên kết và phát triển doanh nghiệp tư nhân nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người sản xuất quy mô nhỏ, người lao động nông nghiệp và giảm thiểu các rủi ro về kinh tế, môi trường và xã hội của phát triển kinh tế nóng do quá trình tự do hóa thị trường, hội nhập và thiếu khung pháp lý hướng dẫn, Oxfam áp dụng phương thức liên kết, tác động doanh nghiệp tư nhân tuân thủ các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế, vận động khung pháp lý nhằm thúc đẩy thực hành TNXH. 
Tại Việt Nam, Oxfam đã phát triển và thực hiện các chương trình thúc đẩy TNXH trong ngành thủy sản, một trong những ngành có giá trị tăng trưởng cao, với sản lượng sản xuất tăng gần bốn lầntrong mười năm qua và là một trong năm ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất hiện nay với tổng kinh ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt mức kỷ lục 7,9 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho gần năm triệu lao động bao gồm các hộ sản xuất quy mô nhỏ, ngư dân, người thu mua kinh doanh, lao động tại nhà máy chế biến và lao động lẻ thời vụ trên tàu cá và tại các trại nuôi. Tuy nhiên ngành thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều thách thức hướng tới phát triển bền vững trong những năm gần đây. Bên cạnh những tác động tích cực đến kinh tế và xã hội, việc phát triển bùng nổ của ngành thủy sản đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về các tác động tiêu cực đến môi trường như phá rừng, ngập và nhiễm mặn, ngập nước; phân tán các chất hóa học vào môi trường; sự cạn kiệt và ô nhiễm sinh học của quần thể cá tôm hoang dã, tận diệt hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường đất và nước và các thách thức xã hội bao gồm bất ổn sinh kế và rủi ro đối với cộng đồng địa phương, xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên; các vấn đề về môi trường và quan hệ lao động, bất bình đẳng giới trong toàn bộ chuỗi giá trị. Ngoài ra, mối quan hệ lợi ích và sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị thủy sản còn lỏng lẻo và thiếu hiệu quả, tác động tiêu cực đến chất lượng sản phẩm, công tác truy xuất nguồn gốc, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Thực hành TNXH không chỉ mang lại lợi ích về sự phát triển kinh tế bền vững của ngành thủy sản mà còn góp phần đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự chia sẻ công bằng các giá trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo vai trò gắn kết của người sản xuất quy mô nhỏ trong chuỗi giá trị.
Trong khuôn khổ các dự án: “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á” do Chính phủ Thụy Điển tài trợ; dự án "Tăng khả năng cạnh tranh kinh doanh nông nghiệp Việt Nam thông qua việc thúc đẩy thực hành TNXH" và dự án "Thúc đẩy thực hành TNXH trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản Việt Nam", Oxfam đã thực hiện các hoạt động nhằm tìm kiếm sự đồng thuận từ các bên liên quan về mục tiêu thực hiện TNXHtrong ngành thủy sản. Ngày 2/10/2015, Oxfam đã tổ chức lần đầu tiên Diễn đàn quốc gia thúc đẩy thực hành TNXH trong ngành thủy sản tại Cần Thơ. Diễn đàn nhằm nâng cao hiểu biết về tính cấp thiết và vai trò các bên tham gia trong thúc đẩy thực hành TNXH doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh cho ngành thủy sản. Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận nguyên nhân tại sao TNXH chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hành triệt đểtrong ngành thủy sản. Diễn đàn cũng thảo luận về kế hoạch hành động và khả năng thành lập một liên minh thúc đẩy TNXH thủy sản. Tiếp theo thành công diễn đàn quốc gia về thúc đẩy TNXH trongngành thủy sản, Oxfam phối hợp cùng công ty tư vấn CSR Asia tại Hồng Kông, một trong những đối tác chiến lược của Oxfam tiếp tục các hoạt động đào tạo chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp, của các đối tác của Oxfam.

Đặc biệt Oxfam coi trọng vai trò của báo giới trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền giáo dục để các bên liên quan có nhận thức đúng về TNXH. Báo chí luôn bám sát thực tiễn, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc các diễn biến hằng ngày trên mọi lĩnh vực trong đó có TNXH. Các tấm gương tốt, thực hành hay của doanh nghiệp về TNXH cần được cổ vũ và phổ biến rộng rãi. Báo chí cũng tích cực tham gia giám sát, đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm về TNXH.

Các chương trình đào tạo và chia sẻ thông tin của Oxfam cũng nhằm xây dựng một liên kết đa phương từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng các tổ chức phi chính phủ và báo giới, nhằm huy động tối đa nguồn lực và hợp tác trong thúc đẩy thực hành TNXH hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thủy sản Việt nam nói riêng và nông nghiệp Việt nam nói chung.

 
Nguyễn Thị Phương Dung- Oxfam Việt Nam
ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)

Share: 

Tin tức khác