Tạo giá trị khác biệt cho tôm sú bằng chứng nhận sinh thái hữu cơ

Việt Nam hiện đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú và đứng thứ 3 về sản xuất tôm nói chung. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua con tôm sú lại chưa được đầu tư một cách bài bản, đặc biệt là khâu kỹ thuật dẫn tới trong nhiều năm sản lượng tôm sú không tăng hoặc tăng rất ít, từ năm 2013 tới năm 2017 sản lượng tôm sú duy trì ở mức trên 250.000 tấn và diện tích ổn định trong khoảng 600.000 ha.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm về sản xuất tôm nước lợ của cả nước, tương ứng chiếm trên 90% về diện tích và 80% về sản lượng.  Với hai đối tượng chính là tôm Sú và tôm Thẻ chân trắng, nuôi tôm nước lợ phân bố tập trung tại 8 tỉnh ven biển gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Xét theo đối tượng nuôi, diện tích tôm Sú chiếm trên 90% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng (559.222 ha), tập trung ở 3 tỉnh Cà Mau (261.715,90 ha), Bạc Liêu (121.910,40 ha) và và Kiên Giang (98.982,29 ha). Tôm sú được nuôi với sự đa dạng về phương thức nuôi như quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, nuôi kết hợp (tôm–lúa, tôm-rừng).

Qua theo dõi và đánh giá của ICAFIS thì thị trường tôm sú khá ổn định trong khoảng thời gian trên 20 năm vừa qua, sản phẩm tôm sú được ưu chuộng trên thị trường thế giới, một số thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Dubai, Singapore…

Sản phẩm tôm sú cũng ÍT CẠNH TRANH HƠN vì hiện nay chỉ còn 6 nước cung cấp chủ yếu cho thị trường quốc tế là Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Inđonesia, Malaysia và Philippines. Thách thức: Sản lượng tôm sú (chủ yếu quảng canh) của Bangladesh đã vượt qua Việt Nam. Năm 2011 sản lượng tôm sú của VN là 300.000 tấn đứng đầu thế giới, nhưng 2015 sản lượng tôm sú của 6 nước đạt 650.000 tấn, Bangladesh đã trở thành nước có sản lượng cao nhất ( ước tính trên 300.000 tấn).Trước bối cảnh đối tượng tôm thẻ chân trắng đang cạnh tranh khốc liệt, giá cả biến động thất thường. Tôm sú với lợi thế cạnh tranh tốt hơn được xác định là sản phẩm chiến lược quốc gia, nhưng làm thế nào để lấy lại vị trí đứng đầu cho con tôm sú và tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm là câu hỏi đặt ra cho ngành tôm Việt Nam.

Diễn đàn KHCN về nuôi tôm sú sinh thái ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”  được phối hợp tổ chức giữa Tổng cục thủy sản – Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông thôn  và  Dự án “ Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam –SusV” tài trợ bởi liên minh Châu Âu (EU), đồng thực hiện bởi ICAFIS và Oxfam tại Việt Nam tại Cà Màu vào ngày 10 tháng 7 năm 2018 vừa qua nhằm:

- Chia sẻ và thảo luận các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý; các quy trình sản xuất có hiệu quả trong nuôi tôm sú sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long;

- Thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng, hình ảnh và gắn kết tôm sú theo chuỗi.

Tham dự diễn đàn có hơn 140 đại biểu từ các ban ngành trung ương như Tổng cục thủy sản, các cơ quan chuyên trách địa phương, người nuôi tôm sú các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, các công ty đầu vào - đầu ra, các nhà khoa học đến từ viện trường đại học trong cả nước và chuyên gia nước ngoài với 11 bài trình bày từ các chuyên gia nhà khoa học giúp cập nhật cho người tham gia về: (i) kỹ thuật mới/tiên tiến và mô hình giúp nâng cao hiệu quả nuôi tôm quảng canh; (ii) cập nhật những xu thế thị trường và cơ hội cho tôm sinh thái Việt Nam; (iii) Yêu cầu về tiêu chuẩn sinh thái giúp tôm sú Việt Nam tiếp cận được thị trường và tăng giá trị; (iv) Quản lý dịch bệnh tôm; (v) Giống tôm sú sinh thái…

 Bên cạnh các bài trình bày các chuyên gia, người nuôi tôm cũng tham gia tích cực vào phần chia sẻ những kinh nghiệm/kỹ thuật nuôi tôm thực tế và cùng trao đổi sôi nổi với các nhà khoa học chuyên gia nhằm tìm ra hướng nâng cao sản lượng và tính bền vững của mô hình nuôi tôm quảng canh.

Tại Diễn Đàn, Ông Lê Văn Quang – chủ tịch tập đoàn Minh Phú là doanh nghiệp đầu ngành về tôm sinh thái đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc xây dựng liên kết và áp dụng các tiêu chuẩn sinh thái và chỉ ra nhu cầu ngành tôm sinh thái cần phải phát triển giống tôm kháng bệnh nhằm giúp tăng hiệu quả của mô hình nuôi tôm quảng canh.

Nhiều đại biểu nhận định, để đạt được các chứng nhận hữu cơ, nông dân phải có được chứng nhận về con giống, thức ăn, vùng nuôi, doanh nghiệp có chứng nhận về nhà máy chế biến... Cần có một chuỗi như vậy để xây dựng được thương hiệu tôm sú hữu cơ. 

Để xây dựng chuỗi tôm sú đạt chứng nhận, ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc ICAFIS cho rằng: Trước hết cần tăng cường tổ chức người nuôi hiện nay thành các tổ, nhóm hay hợp tác xã có tính pháp lý nhằm khắc phục hạn chế về sản xuất quy mô nhỏ trong nuôi tôm ở Việt Nam. Ngoài ra, người nuôi cần ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của người nuôi về những lợi ích và sự cần thiết trong việc liên kết chuỗi.

Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định: Thông qua diễn đàn, chúng ta đã biết đến những mô hình sản xuất hiệu quả từ trong nông dân được đúc kết qua trình sản xuất; những tiến bộ kỹ thuật được các nhà khoa học giới thiệu. Mong rằng thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thông tin tuyên truyền, thay đổi cách tập huấn, đào tạo, hướng dẫn nông dân, để những kết quả này được nhân rộng, hướng tới xây dựng thương hiệu mạnh cho tôm sú Việt Nam.

“Tôi mong rằng nông dân sẽ tiếp thu những điều mới và hiệu quả trong nuôi tôm sú hữu cơ, hiểu được vai trò của của con tôm sú hữu cơ để áp dụng vào mô hình của mình một cách hiệu quả nhất, đồng thời truyền đạt, nhân rộng cho nhiều người khác cùng thực hiện” - ông Luân nhấn mạnh.

Để tìm hiểu chi tiết về nội dung diễn đàn, độc giả có thể tham khảo tài liệu diễn đàn tại đường link:

https://drive.google.com/drive/folders/1Ietv8252Z2xmplY4yArxKSG5932Y2qdT?usp=sharing

Vũ Thùy  - ICAFIS

Share: 

Tin tức khác