"Lễ xuống giống Rong tại Cát Bà" - Ươm mầm xanh kỳ diệu cho hành tinh thêm xanh

Ngày 17/5/2025, tại khu vực Bến Bèo (thị trấn Cát Bà), Trung tâm ICAFIS (thuộc Hội Thủy sản Việt Nam), Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng,  UBND huyện Cát Hải và Công ty TNHH JapiFoods đã phối hợp tổ chức Lễ xuống giống rong sụn tại Cát Bà.

z6610350185727_cc93d54adbcd501a04d159c24f7133c2.jpg

Tháng 7/2024, được sự ủng hộ của Cục trưởng Cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản và Kiểm ngư), Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) - Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) đã phối hợp với Công ty JapiFoods cho ra mắt Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” với sáng kiến lựa chọn rong biển làm đối tượng phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công “bể chứa carbon ngành thủy sản”. Mỗi mầm xanh lớn lên là thêm một nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của toàn nhân loại.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Đặc biệt, ngành Thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững; trong đó có sự góp sức tích cực của “Blue Ocean – Blue Foods”. Chương trình đặt mục tiêu trồng ít nhất 1.000 ha rong biển trong 3 năm đầu, kỳ vọng góp phần thúc đẩy ngành Thủy sản tăng trưởng theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, phục hồi hệ sinh thái biển, cùng với đó thúc đẩy sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển Việt Nam. Đồng hành cùng chương trình là Công ty JapiFoods - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển sản phẩm từ rong biển, cam kết cung cấp giống rong miễn phí và liên kết “chuỗi giá trị rong khép kín” nhằm hỗ trợ bà con trồng rong và chung tay hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa đại dương.

Tháng 10/2024, Trung tâm ICAFIS và Công ty JapiFoods đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Hải Phòng, UBND huyện Cát Bà khảo sát đánh giá điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu để trồng thử nghiệm rong sụn tại Cát Bà. Qua khảo sát, nhóm đánh giá nhận thấy rong sụn rất phù hợp để phát triển mô hình trồng rong kết hợp trong các bè nuôi thủy sản. Hoạt động nuôi trồng thủy sản kết hợp này có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể như: rong biển tạo môi trường sinh thái phù hợp, giúp vật nuôi thủy sản tăng trưởng phát triển tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tháng 4/2025, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, Ban Quản lý Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” cùng với ông Vũ Trọng Hiệu (Chủ tịch Thị trấn Cát Bà) và các đại diện của Phòng Nông nghiệp huyện Cát Hải, Ban Quản lý vịnh Cát Bà đã thực hiện chuyến thăm hỏi tặng cờ tổ quốc, tặng quà cho 82 hộ dân nuôi biển. Đồng thời, đoàn công tác cũng đã khảo sát lựa chọn 30 hộ dân tham gia trồng rong sụn trong Chương trình Blue Ocean – Blue Foods tại Cát Bà.

Để đánh dấu sự kiện ý nghĩa này, ngày 17 tháng 5 năm 2025, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) với vai trò là đơn vị điều phối chương trình, đã quyết định tổ chức Lễ xuống giống rong sụn tại Cát Bà. Theo đó, tiến hành trao tặng rong giống và hướng dẫn kỹ thuật cho 30 hộ dân nuôi tại đây. Hoạt động này sẽ tạo nền tảng và niềm tin vững chắc cho ngư dân đồng hành “xây dựng bể chứa carbon ngành thủy sản” vì một hành tinh xanh. Buổi lễ xuống giống rong sụn tại Cát Bà với kỳ vọng góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ đại dương xanh, phát triển ngành Thủy sản theo hướng xanh và bền vững và vì tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

z6610350188279_9b18242b972cf64ef89b5a1779cacd08_2.jpg

Cùng ngày 17/5/2025, các hộ dân đã được chương trình tặng giống rong sụn và hướng dẫn kỹ thuật trồng rong. Số rong này sau khi phát triển, thu hoạch, sẽ được thu mua bởi Công ty JapiFoods để làm nguyên liệu sản xuất, chế biến các sản phẩm từ rong. Theo kế hoạch, Chương trình đang thử nghiệm bước đầu với 30 hộ, sau đó sẽ mở rộng hơn nữa; phấn đấu đạt mục tiêu 1.000ha rong biển trong 3 năm đầu, góp phần thúc đẩy ngành Thủy sản tăng trưởng theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, phục hồi hệ sinh thái biển Việt Nam.

Tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân đã cùng với ông Vũ Trọng Hiệu (Chủ tịch Thị trấn Cát Bà), ông Đinh Xuân Lập (Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS), bà Nguyễn Thị Sâm (Giám đốc Công ty JapiFoods) và nữ diễn viên Quỳnh Châu (Đại sứ chương trình Blue Ocean – Blue Foods) đã thực hiện việc trao tặng giống rong cho bà con nông ngư dân tại Cát Bà. Sau khi hướng dẫn chi tiết, cụ thể các kỹ thuật trồng rong, đoàn công tác đã cùng bà con thực hành xuống giống rong.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ đại dương xanh

Theo “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Việt Nam phấn đấu năm 2025, sản lượng nuôi biển đạt 850 nghìn tấn: Nuôi biển gần bờ đạt 750 nghìn tấn (trong đó, rong tảo biển: 170 nghìn tấn). Nuôi biển xa bờ đạt 100 nghìn tấn (trong đó, rong tảo biển: 10 nghìn tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1,0 tỷ USD. Đến năm 2030, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn: Nuôi biển gần bờ đạt 1,11 triệu tấn (trong đó, rong tảo biển: 400 nghìn tấn). Nuôi biển xa bờ đạt 340 nghìn tấn (trong đó, rong tảo biển: 100 nghìn tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

Trong báo cáo mới đây của “Blue Ocean – Blue Foods”, nhiều ngư dân Khánh Hòa đã tìm thấy cơ hội làm giàu từ rong biển với các dòng sản phẩm mới từ rong biển như: Mứt rong biển, kim chi rong biển, bánh tráng rong biển, rong câu chỉ vàng, trà rong biển, nước sâm rong biển, rong nho tách nước, rong mứt nấu canh, rong sụn gai khô…

Tại Ninh Thuận, Blue Ocean – Blue Foods đã triển khai thực hiện “Đầm rong Ninh Thuận - Nơi nắng gió ươm mầm hy vọng”. Tại đây, rong sụn rất dễ sống và gần như không cần chăm sóc gì trong suốt quá trình phát triển. Hiện nay, đầm rong Ninh Thuận là nơi mà các sản phẩm rong sụn được đánh giá có chất lượng tốt nhất trong khu vực, đây cũng chính là nguồn rong mà JapiFoods lựa chọn tặng cho tất cả nông ngư dân tham gia “Blue Ocean – Blue Foods”. Hy vọng với nguồn rong giống tốt và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, hoạt động nuôi trồng rong sụn sẽ trở thành sinh kế mới của người dân sống ở ven biển Việt Nam.

z6610350201220_c3e1ebbaa9e1f70329f94dcceae14b3e.jpg

Theo ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS, việc xây dựng bể chứa carbon ngành thủy sản (với đối tượng nuôi trồng là rong biển) là một mục tiêu lớn, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự ủng hộ đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, các địa phương ven biển, người trực tiếp nuôi trồng rong và đặc biệt là người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rong biển của Việt Nam. Khi người tiêu dùng nhận diện được giá trị tuyệt vời của rong biển và tăng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ rong, lúc đó mới có thêm nhiều cơ hội và động lực cho người dân nỗ lực trồng rong. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành và địa phương cần có thêm nhiều chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trồng và phát triển các sản phẩm từ rong để diện tích trồng rong ngày càng được mở rộng, khai thác tối đa tiềm năng của Việt Nam ở nhóm sản phẩm này.   

Nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ sản phẩm rong biển Việt Nam, bà Nguyễn Thị Sâm – Giám đốc Công ty JapiFoods chia sẻ “Để thúc đẩy ngành hàng rong, cũng như phát triển diện tích trồng rong thì hai nhân tố là người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng yêu thích sử dụng thì Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” mới có cơ hội phát triển ngành hàng. Nhận thức được điều đó thời gian vừa qua JapiFoods đã tiên phong phát triển các dòng sản phẩm như: Tinh chất rong sụn, Sea Moss Gel, Gia vị rong biển, Mứt rong sụn, Thạch Collagen rong biển…

z6610350241547_b468dddfcec792ae283f3cc387223c6a.jpg

Đặc biệt, tất cả các sản phẩm này đều có truy xuất nguồn gốc (vì gắn kết trực tiếp với người trồng rong tại Việt Nam theo chuỗi liên kết khép kín). Từ đầu năm 2025 đến nay, JapiFoods may mắn được khách hàng tin dùng và đánh giá cao cho các dòng sản phẩm. Hy vọng với sự đồng hành của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Hội Thủy sản Việt Nam và các cơ quan, ban ngành và địa phương, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều lan toả đề ngành hàng rong biển Việt Nam phát triển xứng tầm, truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của toàn nhân loại, nơi duy nhất con người có thể sinh sống.

Ngọc Thúy - FICen

Share: 

Tin tức khác