Nuôi trồng thủy sản và trách nhiệm xã hội

“Diễn đàn quốc gia về thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) trong ngành Thủy sản (TS) Việt Nam” tổ chức tại TP Cần Thơ tuần qua, tạo sự quan tâm đặc biệt bởi nó khá mới mẻ đối với ngành TS. Đến nay, theo đánh giá từ Diễn đàn, CSR trong ngành TS chưa được quan tâm đúng mức, chưa được hiểu đúng và chưa được thực hành triệt để.

 

Trách nhiệm xã hội- việc phải làm

Theo Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), TS là 1 trong 5 ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt mức kỷ lục 7,9 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 5 triệu lao động.

 Sản phẩm TS hiện có mặt tại 164 quốc gia. Tuy nhiên, ngành TS Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhất là về môi trường.

Việc nuôi trồng TS gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng chức năng hệ sinh thái rừng ngập mặn, chất thải trong nuôi trồng TS, sử dụng thức ăn từ nuôi cá biển, lồng bè trên sông cũng gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường.

Mỗi năm, chế biến thủy sản sử dụng khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu, hàng chục triệu mét khối nước và kWh điện, hàng ngàn tấn hóa chất tẩy rửa, khử trùng, môi chất lạnh... với khối lượng chất thải rất lớn, nhất là nước thải hữu cơ.

Nhưng vấn đề quản lý và ý thức chấp hành quy định pháp luật vẫn chưa thực tốt, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường…

Đánh giá từ diễn đàn, với xu thế phát triển của thời đại, CSR được đề cao và yêu cầu tại nhiều thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á. Bên cạnh, hầu hết các công ty đa quốc gia đều xây dựng các chương trình CSR áp dụng trong hệ thống và đối tác cung ứng của mình trên toàn thế giới như WALMART, COSTCO, SMETA, METRO…

Trách nhiệm về bảo vệ môi trường còn được đề cập sâu trong các tiêu chuẩn và thực hành sản xuất có trách nhiệm được xây dựng trong thời gian qua: GlobalGAP, BAP, ASC, SAIP, MSC, FOS, FIP, IFFO, Fairtrade, VietGAP, BSCI, ISO 26000, SA8000…

CSR- yêu cầu từ thị trường

CSR là tiêu chuẩn được yêu cầu nhiều từ người mua hàng trong những năm gần đây nhằm đảm bảo sự hòa hợp giữa phát triển kinh tế- xã hội- môi trường.

Ông Nguyễn Việt Thắng- Chủ tịch VINAFIS, cho rằng muốn phát triển, ngành TS phải phát triển thị trường bền vững và phải tuân thủ CSR.

 Thực hành CSR là một yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của ngành TS, nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị, đảm bảo lợi ích của người sản xuất quy mô nhỏ và người lao động trong chuỗi giá trị TS.

Thực hành CSR còn để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự chia sẻ công bằng các giá trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 Chia sẻ kinh nghiệm của mình, đại diện Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết thực hành CSR đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, xây dựng chế độ lương bổng đầy đủ, phúc lợi xã hội hợp lý, người lao động làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn sức khỏe… thu hút thêm nhiều lao động có tay nghề, giảm tỷ lệ lao động bỏ việc.

Đồng thời góp phần giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tăng doanh thu. Và giúp nâng cao uy tín thương hiệu, giúp doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng mới hơn.

“Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy nuôi trồng TS an toàn”- ông Phạm Khánh Ly- Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng TS- cho biết thời gian qua Chính phủ có nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng TS về kinh phí, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại…

Nuôi trồng TS phải gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, bởi theo ông Phạm Khánh Ly, hiện cá tra xuất khẩu 100% buộc phải sản xuất theo quy trình VietGAP với những quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn người lao động…

Hơn nữa, “bảo vệ môi trường còn là trách nhiệm của chúng ta đối với thế hệ mai sau”- ông nhấn mạnh điều này.

Theo kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vĩnh Long bền vững, ngành TS phát triển theo hướng gia tăng hiệu quả và thân thiện môi trường.

Cụ thể, nhiệm vụ tái cơ cấu lĩnh vực TS năm 2015 tập trung 5 nhóm giải pháp. Đó là tái cơ cấu: về chất lượng sản phẩm: đảm bảo 100% diện tích nuôi cá tra xuất khẩu áp dụng các quy trình công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt VietGAP, GlobalGAP, ASC…

Về đa dạng hóa các đối tượng và hình thức nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Tái cơ cấu ngành hàng cá tra theo hướng ổn định diện tích nuôi và sản lượng… Phát triển phương thức sản xuất kinh tế hợp tác, tổ chức sản xuất theo mô hình quản lý cộng đồng…

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học- công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nuôi trồng, gia tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, gắn với bảo vệ môi trường…

Bài, ảnh: LÝ AN

Nguồn: http://www.baovinhlong.com.vn

[ Diền đàn quốc gia về thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam, do Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) chủ trì, OXFAM, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VICCI) phối hợp tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào ngày 2/10/2015] 

 

 

 

 

 

Share: 

Tin tức khác