Nghiệp đoàn Nghề cá: Trợ lực cho ngư dân

Mô hình Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) đã thực sự là nơi gắn kết để ngư dân vững tin vươn khơi bám biển, đặc biệt là đối với ngư dân đang tham gia khai thác tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.

Điểm tựa vững chắc

Qua hơn một năm đi vào hoạt động, đến nay cả nước đã thành lập được 66 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở với 12.106 đoàn viên, 3.159 tàu cá của 13/28 tỉnh, thành phố ven biển. Ngoài việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân; các NĐNC còn giúp các đoàn viên, ngư dân nâng cao nhận thức chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật quy định của Nhà nước. Đây thực sự là bước phát triển lớn mạnh của đội ngũ lao động, đoàn viên NĐNC trên cả nước.

Mô hình Nghiệp đoàn Nghề cá giúp ngư dân an tâm vươn khơi- Ảnh: Xuân Trường

Hơn một năm qua, NĐNC các cấp có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức ngư dân và chủ tàu đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật; các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, trách nhiệm, ứng xử của ngư dân khi tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải quốc gia; giúp ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống; bảo vệ quyền lợi của ngư dân khi xảy ra tranh chấp trên biển, khi gặp sự cố, rủi ro, tai nạn. Đồng thời, chú trọng xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa các chủ tàu với nhau; giữa các chủ tàu, người sử dụng lao động với người lao động; giữa những người lao động với nhau, giữa nghiệp đoàn với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng. Tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong các nghiệp đoàn nói riêng, tinh thần đoàn kết cộng đồng nói chung được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, các chủ tàu, các thuyền trưởng và ngư dân an tâm hơn trong việc ra khơi, bám biển; giải quyết được một số bất cập trong khai thác hải sản trên biển trước đây như giành giật lao động giữa các tàu, thuyền với nhau, thiếu sự hỗ trợ khi có sự cố, thiếu sự phân công trách nhiệm lai dắt, cung cấp trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường, giá cả. Thông qua nghiệp đoàn hình thành được sự liên kết, hợp tác của lao động ngành thủy sản trên địa bàn, lãnh thổ trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Việc thành lập NĐNC Việt Nam đáp ứng được sự mong mỏi của đoàn viên nghiệp đoàn và ngư dân cả nước.

Thêm nỗ lực

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong một năm qua, hoạt động của NĐNC Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là tổ chức nghiệp đoàn chưa phát huy hết sức mạnh là bảo vệ chủ quyền, lợi ích hợp pháp của ngư dân; hoạt động của nghiệp đoàn cơ sở còn mang tính tự phát; sự phân cấp quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn còn chưa thống nhất; công tác thông tin phục vụ tàu thuyền của nghiệp đoàn còn hạn chế…

Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, NĐNC Việt Nam ra đời là kịp thời, tạo được uy tín với ngư dân và các địa phương. Để phát huy hiệu quả hơn nữa trước việc ngư dân đang ngày đêm đối diện với những khó khăn trong khi khai thác thủy sản, bảo vệ chủ quyền dân tộc, NĐNC Việt Nam cần tuyên truyền ngư dân không được sử dụng phương tiện khai thác mang tính hủy diệt; thu hút ngày càng nhiều ngư dân tham gia nghiệp đoàn để cùng bảo vệ, tương trợ lẫn nhau khi tham gia bám biển, làm giàu từ biển.

Chủ tịch NĐNC phường Nại Hiên Đông, TP Đà Nẵng chia sẻ, nghề khai thác biển là nghề cực khổ, thường xuyên gặp rủi ro bất ngờ không lường trước được; trong khi, thu nhập lại dựa chủ yếu vào sản lượng khai thác và thương lái thu mua. Nên để khai thác hiệu quả hơn, Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành thêm chính sách hỗ trợ; trước mắt là hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho những thuyền viên hoạt động trên những tàu khai thác xa bờ. Cho phép ngư dân lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm để đăng ký hợp đồng mua bảo hiểm. Bộ NN&PTNT nghiên cứu mở các lớp tập huấn về chuyển giao công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm cho ngư dân để họ nâng cao năng suất hiệu quả khi khai thác. Cùng đó, lực lượng Kiểm ngư phải công khai số điện thoại đường dây nóng và phân công lãnh đạo trực 24/24h để khi bị Trung Quốc uy hiếp, tấn công, ngư dân có thể liên hệ để được ứng cứu kịp thời.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Thời gian tới, NĐNCVN cần tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn tại địa phương để bảo vệ tốt hơn cho ngư dân trước thiên tai và nhân tai; bám sát vào những chính sách hỗ trợ cho ngư dân đã được ban hành; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành luật pháp quốc tế, khai thác tại vùng biển hợp pháp.

Linh Chi
Nguon: Thủy sản Việt Nam

Share: 

Tin tức khác