Ngành thủy sản Liên kết để tránh bị động về nguyên liệu tôm

(TBTCO) - Ngành thủy sản thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, gây ra sự bị động và bất tiện nhất định. Để có thể tự chủ nguồn nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu, thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi từ người nuôi đến doanh nghiệp.

Thiếu nguyên liệu tôm một số thời điểm trong năm do đang hết vụ thu hoạch và do một phần từ khó khăn do thời tiết, thị trường. Ảnh: TL

Liên kết chuỗi ngang và dọc trong các hộ nuôi với doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian gần đây một số doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước để chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, đó là hiện tượng xảy ra trong một số thời điểm nhất định khi hết vụ thu hoạch tôm nên tôm nguyên liệu Việt Nam ít và giá cao hơn, hoặc thời điểm vụ tôm thu hoạch rộ ở các nước như Ấn Độ, Indonesia… nên giá tôm nguyên liệu nhập khẩu rẻ.

Hiện tại số lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu chưa nhiều, mới khoảng trên dưới 10 nghìn tấn/năm, trong khi sản lượng tôm Việt Nam hằng năm đã đạt xấp xỉ 650-700 ngàn tấn.

Vấn đề thiếu nguyên liệu một số thời điểm trong năm do đang hết vụ thu hoạch và một phần từ khó khăn do thời tiết, thị trường (giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh so 2014) nên người nuôi tôm thả giống muộn và việc này xảy ra chủ yếu ở vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh/bán thâm canh.

Vì vậy, trong các văn bản chỉ đạo điều hành, Bộ NN&PTNT cũng kịp thời hướng dẫn người nuôi tranh thủ  đẩy mạnh nuôi tôm trong các thời điểm thuận lợi về thời tiết, thị trường, ở các vùng có điều kiện, chú ý nuôi an toàn sinh học, nuôi có chứng nhận VietGAP và tương tự, nuôi xen ghép với các đối tượng phù hợp, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả. 

Đồng thời, vấn đề liên kết chuỗi ngang và dọc trong các hộ nuôi và giữa các hộ nuôi với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã được quan tâm và sẽ tiếp tục được chú trọng phát triển trong các năm tới, đảm bảo mục tiêu các bên tham gia sản xuất kinh doanh tôm đều có lợi.

Chủ động nguồn nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu

Theo Tổng cục Thủy sản, thực tế trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản, trong đó về chế biến xuất khẩu cần chủ động nguồn nguyên liệu, nhất là các đối tượng chủ lực như cá tra, tôm.

Chủ trương này đã được thể hiện trong các văn bản quan trọng như Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, định hướng 2030 cũng như đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.

Để đạt mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu, hạn chế tôm nguyên liệu nhập khẩu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm trong nước, đồng thời tăng GDP cho ngành nông nghiệp, trong thời gian qua và những năm tới đây, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh sản xuất nuôi tôm nước lợ, tăng cường liên kết chuỗi từ người nuôi đến doanh nghiệp, khuyến khích nuôi an toàn sinh học, nuôi có chứng nhận, đảm bảo an toàn thực phẩm và bền vững cả về kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường.

Ngay trong năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã thường xuyên quyết liệt chỉ đạo hướng dẫn người nuôi đẩy mạnh nuôi tôm, tuân thủ lịch mùa vụ, trong đó chia rõ theo từng đối tượng tôm nuôi, phương thức nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) theo từng vùng tùy vào điều kiện thời tiết, môi trường... để thả giống phù hợp.

Tùy theo diễn biến thời tiết, thị trường trong năm mà Tổng cục Thủy sản thường xuyên có chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người nuôi về quản lý, chăm sóc...

Tổng cục Thủy sản cũng thường xuyên cử cán bộ bám sát các vùng nuôi trọng điểm, nhất là ĐBSCL để kịp thời cùng các địa phương tháo gỡ các khó khăn, đề xuất các biện pháp với mục đích giúp người nuôi đạt kết quả nuôi tốt, tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của ngành.

Diệu Hoa
GRAISEA NEWS

Share: 

Tin tức khác