Liên kết tiêu thụ sản phẩm tôm bền vững

Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) vừa tạo được sự liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi tôm trong sản xuất sản phẩm sạch, bền vững bằng một loạt hợp đồng đầu tư, bao tiêu được ký trực tiếp với 8 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên.

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14-10 Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, cho biết: “Cái khó nhất trong nuôi tôm là phải nói đến đầu ra sản phẩm, nên chỉ cần có đầu ra ổn định, thì người dân nuôi tôm mới thật sự yên tâm. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi được các ngành chức năng tạo điều kiện ký kết hợp đồng với công ty thủy sản sạch, giúp người nuôi tôm có được đầu ra với giá ổn định”. Ông Ngô Công Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14-10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, cũng phấn khởi không kém: “Thật sự rất mừng khi hợp tác xã chúng tôi có được hợp đồng cung cấp nguyên liệu với công ty thủy sản sạch. Trước đó, hợp tác xã chúng tôi đã có hợp đồng đầu vào và hôm nay lại có đầu ra với giá ổn định, được như vậy người dân nuôi tôm chúng tôi sẽ không lo bị ép giá nữa”. Còn ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Hợp tác xã Thành Đạt, xã Hòa Tú 1, chia sẻ: “Theo tôi thì việc liên kết tiêu thụ sản phẩm này, không chỉ tôi mà các thành viên trong hợp tác xã đều đồng tình, vì tôm thương phẩm được công ty mua theo giá thị trường và không ràng buộc, đặc biệt nếu cung ứng tôm sạch thì có giá cao hơn thị trường”.

 

Tổng Giám đốc Công ty Vina Cleanfood ký kết hợp đồng với HTX Nông ngư 14-10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 - ảnh Tuyết Xuân.

 Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Vina Cleanfood, cho biết: “Công ty đồng ý thu mua hết sản lượng tôm nguyên liệu theo giá thị trường tại từng thời điểm theo phương thức “thuận mua vừa bán”. Giá mua theo từng loại mặt hàng, từng size (cỡ) tôm theo giá thị trường; đồng thời, công ty sẽ hỗ trợ cung cấp thức ăn nuôi tôm trong giai đoạn 2,5 tháng tuổi trở lên nếu người nuôi có  nhu cầu”. Liên quan đến cách thức thu mua, ông Phục cho biết thêm: “Trước thu hoạch 1 ngày, người nuôi phải thông báo cho công ty biết, để công ty cử người đến lấy mẫu kiểm nghiệm. Nếu tôm không tồn dư hóa chất, kháng sinh, công ty sẽ trực tiếp thu mua tại ao, với mức giá cao hơn giá thị trường 5.000 - 7.000 đồng/kg”.

Tại buổi đối thoại xây dựng hợp đồng liên kết nuôi tôm giữa Công ty Vina Cleanfood với các hợp tác xã, tổ hợp tác tại Mỹ Xuyên vừa qua, đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác đã thống nhất và ký kết hợp đồng trực tiếp với công ty theo nội dung thỏa thuận và hợp đồng sẽ có hiệu lực từ ngày 01-10-2016 đến hết ngày 31-12-2017, với sự chứng kiến của Ban Quản lý dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng. Đây là bước khởi đầu cho sự liên kết giữa người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến, tạo chuỗi liên kết từ cung ứng, sản xuất tới tiêu dùng; tạo ra sản phẩm sạch và cũng là cam kết của các doanh nghiệp trong việc hợp tác, hỗ trợ người nuôi tôm trong quá trình nuôi và tiêu thụ sản phẩm tôm bền vững.
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: “Việc ký kết hợp đồng bao tiêu rất có ý nghĩa vì các hộ nuôi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và đây cũng là một xu hướng phát triển tất yếu để nâng cao chuỗi giá trị tôm, giúp người nuôi an tâm hơn khi sản phẩm tôm đảm bảo chất lượng được bán với mức giá cao hơn thị trường. Qua đó, tác động rất lớn đến nhận thức của thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác về áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học”.
Xây dựng hợp đồng liên kết tiêu thụ tôm thương phẩm là bước khởi động thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng”, được triển khai từ tháng 3-2016 đến tháng 2-2020 với tổng nguồn vốn 2,5 triệu Euro, tập trung hỗ trợ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm có quy mô vừa và nhỏ ở 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Riêng ở Sóc Trăng, dự án sẽ hỗ trợ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã thuộc TX. Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên, nhằm cải thiện điều kiện nuôi tôm nước lợ, tổ chức liên kết sản xuất, hỗ trợ trang thiết bị trong quy trình nuôi an toàn môi trường, tiết kiệm nước, năng lượng, có năng lực trong nuôi thực hành VietGAP; hợp tác xã, tổ hợp tác có đủ năng lực trong giao dịch, đàm phán liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm đối với doanh nghiệp về đầu ra sản phẩm.

Tuyết Xuân

Share: 

Tin tức khác