Liên kết chuỗi: Hướng đi mới cho hội nhập

Để lấy lại lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu nông, thủy sản, mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị để từng bước chiếm lĩnh thị trường mới là hướng đi đang được các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhân rộng và phát triển.

 Từ giống lúa thơm

Từ lâu Sóc Trăng được xem là “cái nôi” trồng lúa thơm của ĐBSCL và kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, là người đã gắn bó cùng nhiều nhà khoa học hàng đầu hơn 20 năm qua nghiên cứu, lai tạo thành công các giống lúa thơm dòng ST. Nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) được hình thành gắn với doanh nghiệp (DN) bao tiêu đầu ra hạt lúa. Điển hình HTX lúa - tôm Hòa Lời (xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một thí dụ. Sau gần bảy năm tham gia trồng lúa thơm thì toàn bộ lúa của xã viên được DN bao tiêu mua cao hơn giá thị trường từ 20 đến 25%. Bình quân mỗi xã viên thu lợi nhuận cao hơn các hộ bên ngoài khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.

Trong bảy năm đó, giống lúa thơm ST5 của Sóc Trăng cũng đã cập cảng các nước lớn với giá trị lên đến 730 USD/tấn. Đây mới chỉ là giống lúa thơm thuộc dạng “bậc trung”, chứ chưa phải cao cấp. Nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua đang có tham vọng đưa các giống ST đỏ, ST tím và các giống ST từ 20 đến 25, có giá trị xuất khẩu khoảng 800 USD/tấn. “Đây là nền tảng quan trọng để địa phương phát triển nhanh, mạnh hơn trong việc sản xuất giống lúa thơm mới, hiệu quả cao” - kỹ sư Hồ Quang Cua khẳng định.

Không chỉ ngành nông nghiệp Sóc Trăng mà các địa phương ĐBSCL đã, đang chủ động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường... Trong đó lấy cây lúa và con tôm làm hai mũi nhọn để đột phá, từng bước đưa sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường trong khu vực và thế giới.

… đến xu thế bắt tay hợp tác và hội nhập

Nông nghiệp ĐBSCL có vị trí quan trọng đối với cả nước nhờ lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, toàn vùng đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 80% lượng gạo xuất khẩu, thủy sản chiếm 60% và trái cây chiếm 50% tổng xuất khẩu cả nước, thu ngoại tệ hằng năm khoảng 3 tỷ USD… Dẫu vậy, nông nghiệp ĐBSCL đã và đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải gấp rút tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, chuyển nông dân và ngư dân hoạt động từ truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp, công nhân ngư nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường... Vai trò của Nhà nước từ T.Ư đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này.

Nói về quá trình này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: Sản xuất nông nghiệp không theo thị trường mà tự phát chỉ đem lại thiệt hại tiền của và công sức nông dân. Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường cần được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện đúng quy trình GAP và được liên kết “4 nhà” với nòng cốt là do DN đầu ra gắn kết với hợp tác xã nông nghiệp.

Một thí dụ điển hình về bài học thành công có thể được nhìn thấy từ các mô hình phát triển đa dạng các chuỗi liên kết trong nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra. Điều dễ thấy là ngành cá tra đã thành công trong việc xây dựng mô hình chuỗi hợp tác theo chiều ngang: Câu lạc bộ, HTX nuôi cá tra sau đó ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho DN chế biến xuất khẩu và đang được nhân rộng, phát triển ở An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ... “Việc các hộ, DN đăng ký vùng nuôi cá tra đã hình thành được “bản đồ” nuôi cá tra, tạo cơ sở vững chắc để truy xuất nguồn gốc. Hiện các vùng nuôi tôm cũng đang học tập theo mô hình này” - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết.

Không dừng lại ở đó, chiến lược chủ động cùng nông dân và các HTX canh tác, sản xuất theo chuỗi giá trị như hỗ trợ DN xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đạt chất lượng làm “đòn bẩy” bước ra thị trường mới. Trong đó một số mô hình nông dân liên kết với DN sản xuất cây ăn trái, lúa gạo đạt các tiêu chuẩn VietGap, Global Gap… đã phát huy hiệu quả. Song, hiện các mô hình này phát triển chậm do đòi hỏi tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hàng rào thương mại và nguồn lực đầu tư khá lớn...

Việc hình thành tổ chức liên kết “4 nhà” và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị để chủ động thích nghi “sân chơi chung” cũng như giảm chi phí, hạ giá thành hàng xuất khẩu, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh… là điều tất yếu để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, và là “chỉ dẫn tin cậy” trong xu thế hội nhập với những thị trường mới, tiềm năng.

PHONG TRÀ

http://www.nhandan.com.vn

GRAISEA NEWS

 

Share: 

Tin tức khác