{ICAFIS_SUSV} Bền vững từ mô hình nuôi đến thị trường

Nuôi tôm bền vững là câu hỏi đặt ra từ nhiều năm nay! Và cũng đã là câu hỏi đang được các chuyên gia, người nuôi tôm đi tìm câu trả lời, áp dụng các biện pháp nghiên cứu và thử nghiệm nhằm giảm thiểu dịch bệnh, ổn định môi trường nuôi, tăng tỷ lệ sống và có thêm các giá trị môi trường, xã hội…

Từ những ngày đầu triển khai dự án “ Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam – SusV”và dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á- Graisea 2”, trên địa bàn ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Ban quản lý dự án đã phối hợp cùng Sở NN&PTNT ba tỉnh, WWF, IPSARD, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 3, ĐH Cần Thơ…nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình nuôi bền vững, thân thiện với môi trường như: nuôi sử dụng nước quay vòng; nuôi luân canh tôm lúa; tôm bồn bồn; xem canh tôm cá rô phi…..

* Mô hình nuôi bền vững

+ Sử dụng nước quay vòng:Do quá trình bùng phát dịch bệnh trong những giai đoạn trước đây, bên cạnh đó việc kiểm soát nguồn nước là khá khó khăn. Nên những năm gần đây mô hình nuôi sử dụng ao lắng nước được thúc đẩy, trong quá trình nuôi người nuôi hạn chế thay nước và lấy nước bên ngoài và có quá trình xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi và sử dụng nước quay vòng. Với cách này môi trường nước được đảm bảo hơn, bên cạnh đó còn nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

+ Mô hình cá rô phi tôm: Cá rô phi có vai trò không nhỏ trong ao nuôi tôm và đã được chứng tỏ từ nhiều năm nay. Mô hình nuôi tôm kết hợp cá rô phi khá đảm bảo về an toàn sinh học. Bên cạnh đấy, cá rô phi có thiên hướng tiêu thụ các loài động vật thủy sinh, phù du, tảo, mùn bã hữu cơ vốn chủ yếu là chất thải của tôm trong quá trình sinh trưởng, nên sẽ làm giảm bớt sự tích tụ các chất thải trong ao. Chính các “cỗ máy xử lý môi trường” tự nhiên này sẽ giúp cho người nông dân không phải mất nhiều công sức dọn dẹp ao, vét bùn cũng như các loại hóa chất xử lý môi trường nước như trước. Trong quá trình nuôi tôm kết hợp cá rô phi, người ta còn thấy thêm một ích lợi quan trọng là cá rô phi đã góp phần không nhỏ làm giảm dịch bệnh trên tôm, như bệnh đốm trắng trên tôm thẻ. Với bản tính ăn tạp, cá rô phi có thể giảm bớt được sự phát triển của tảo lục, tiêu diệt các nhóm vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio, cùng các vật chủ trung gian mang mầm bệnh, thậm chí xử lý cả tôm bệnh chết, qua đấy tránh lây lan bệnh trong ao.

+ Mô hình sản xuất luân canh (lúa tôm; tôm bồn bồn…): Theo đánh giá thì hệ thống canh tác luân canh như tôm – lúa; tôm – bồn bồn… có tính thân thiện môi trường cao hơn các hệ thống chuyên canh vì dễ dàng áp dụng giải pháp “quản lý tổng hợp”, giảm nhu cầu sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các yêu cầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Về mức độ tái sử dụng tài nguyên sinh học, sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. 

* Các khó khăn trong thúc đẩy mô hình nuôi bền vững

Về mặt môi trường, sinh thái, giảm thiểu dịch bệnh và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thì các mô hình nuôi bền vững đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng và phát triển bền vững thì vẫn gặp phải một số khó khăn:

+ Sản lượng nuôi thấp

+ Mùa vụ nuôi thường dài hơn nuôi theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh

+ Chỉ nuôi được 01 vụ/năm (mô hình tôm lúa)

+ Thu hẹp diện tích mặt nước nuôi do phải sử dụng một phần diện tích mặt nước cho ao xử lý nước/ao lắng

+ Các sản phẩm nuôi xen canh chưa có được thị trường hoặc bán với giá rất thấp: cá rô phi nước lợ, tôm càng, bồn bồn…

* Giải pháp trong thúc đẩy mô hình nuôi bền vững của SusV

Phát triển bền vững hay sự bền vững của một mô hình thường gắn liền với “kiềng ba chân” “môi trường – xã hội – kinh tế”. Nắm được các yếu tố cốt lõi đó thời gian vừa qua ban quản lý dự án SusV đã phối hợp các đối tác địa phương và dự án tổ chức lại sản xuất gắn kết thị trường để quá trình sản xuất và phát triển của “nhà tôm” được bền vững hơn, các giải pháp can thiệp gồm có:

B1: Thúc đẩy mô hình nuôi bền vững

B2: Liên kết sản xuất theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo sản lượng

B3: Thúc đẩy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm và bên cạnh tôm

B4: Gắn kết, kết nối thị trường, truyền thông cho sản phẩm bền vững gắn với tôm.

Kết quả của một quá trình:

+ Các mô hình nuôi bền vững được thúc đẩy và giữ vững trong suốt khoảng thời gian triển khai dự án vừa qua.

+ 28 chuỗi liên kết sản phẩm được thúc đẩy và ký kết, trong đó 15 HTX đã đạt được chứng nhận nuôi bền vững theo chuẩn quốc tế và trong nước ASC, BAP, VietGap…giúp các HTX tăng lợi nhuận từ 5% - 10%.

+ Các sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm và bên cạnh tôm được thúc đẩy sản xuất:  Bồn Bồn, Chả cá rô phi nước lợ, Tôm chao (mắm tôm chua), chà bông tôm, Chà bông cá rô phi, bánh phồng tôm, khô cá rô phi nước lợ, gạo hữu cơ….

+ Sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm và bên cạnh tôm của các HTX được kết nối thị trường trong nước Hà Nội, HCM, Đà Nẳng, Cần Thơ…và được nhiều hệ thống liên kết, đặt hàng: Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội; Nông sản nhà quê; Đặc sản ĐBSCL; Đặc sản MêKong; Đặc sản Sóc Trăng….

Tại buổi Lễ ký kết liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX Hoà Đê và chuỗi của hàng đặc sản ĐBSCL diễn ra tại Sóc Trăng ngày 28/3/2019, ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc ICAFIS chia sẻ “ Thời gian vừa qua dự án chuỗi tôm và chính quyền địa phương đã thúc đẩy người nuôi sản xuất theo các mô hình nuôi bền vững, nhiều hộ dân đã giành một diện tích mặt nước dùng làm ao lắng nước và thả cá rô phi giúp cho môi trường nước được tốt hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm bên cạnh tôm như cá rô phi lại không bán được hoặc bán được với giá rất rẻ nên thu nhập của hộ dân khá bấp bênh. Điều này dẫn tới một số hộ dân dùng các biện pháp thay thế chưa bền vững hoặc quay lại mô hình sản xuất cũ. Việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và gắn kết thị trường giúp cho người dân ổn định, mô hình, sinh kế và bền vững”.

Thời gian tới dự án SusV và GRAISEA 2 sẽ tiếp thúc đẩy mô hình sản xuất, sản phẩm gia tăng và kết nối thị trường cho người nuôi tôm để mô hình được bền vững một cách toàn diện hơn về “ môi trường sinh thái – sinh kế cộng đồng – thị trường sản phẩm”.

Theo Thế Diễn – ICAFIS

Share: 

Tin tức khác