{ICAFIS_SCBV} Liên kết chuỗi nghêu theo Tiêu chuẩn MSC

MSC là nhãn sinh thái được ưu chuộng nhất trên thế giới và có thị trường trên 100 quốc gia. Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam”, Dự án sẽ hỗ trợ duy trì Chứng nhận MSC cho nghề nghêu tỉnh Bến Tre tới năm 2022 và thúc đẩy nghề nghêu tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh đạt Chứng nhận MSC vào năm 2020, 2021.

Liên kết chuỗi nghêu theo Tiêu chuẩn MSC

Hiện tại, diện tích nuôi nghêu và một số loài nhuyễn thể của Việt Nam là 40.685 ha với sản lượng bình quân 300.000 tấn/năm. Cùng với tôm, cá tra, cá rô phi thì nghêu cũng là một trong bốn sản phẩm thủy sản nuôi trồng chủ lực của Việt Nam, được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới (đặc biệt ở Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia). Nghề nuôi nghêu đã tạo việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Tại Việt Nam, nghêu nuôi chủ yếu là giống Meretrix lyrata, được khai thác lâu đời ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ven biển khác. Nghề nuôi nghêu phát triển ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, ba tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh là ba tỉnh trọng điểm với tổng diện tích năm 2019 là 5.283 ha (Bến Tre 2.873 ha, Tiền Giang 1.950 ha, Trà Vinh 460 ha).

Từ năm 2009, toàn bộ vùng nghêu của tỉnh Bến Tre đã được cấp Chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council) – Là nhãn hiệu đảm bảo “sản phẩm thủy sản được khai thác bền vững, có trách nhiệm”. Hiện nay, MSC là nhãn sinh thái được ưu chuộng nhất trên thế giới, có thị trường trên 100 quốc gia. Vì vậy, trong khuôn khổ của Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam - SCBV” do Liên minh châu Âu tài trợ trong khoảng thời gian từ 2018-2022 (được thực hiện bởi Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Tổ chức OXFAM tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Dự án SCBV đã đặt mục tiêu: Hỗ trợ, thúc đẩy, nhằm tiếp tục duy trì Chứng nhận MSC cho nghề nghêu tỉnh Bến Tre tới năm 2022 và đạt được chứng nhận MSC cho nghề nghêu hai tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh vào năm 2020, 2021.

Liên kết chuỗi nghêu theo Tiêu chuẩn MSC

Trong thời đại phát triển ngành Nông nghiệp – Thuỷ sản hiện đại với cơ chế thị trường cạnh tranh cao, nhiều yêu cầu về sản phẩm bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc… thì vai trò của liên kết chuỗi giá trị giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý càng trở nên quan trọng, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa.

 

Thời gian qua, mặc dù Cộng đồng nghề nghêu tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh đã đạt được/ đang hoàn thiện để đạt được Chứng nhận MSC nhưng vẫn gặp phải những khó khăn liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu (gây tác động xấu tới môi trường nuôi nghêu). Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra bấp bênh: Cộng đồng nuôi nghêu 03 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang không chủ động được nguồn thu mua các sản phẩm đầu ra của mình, bị thương lái ép giá. Trong khi tại Nam Định, Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam lại đang đặt mục tiêu tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn và bền vững.

Kết quả sau những lần gặp gỡ và chia sẻ giữa Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam và Cộng đồng nuôi nghêu tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh, cùng sự hỗ trợ của Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam”, ngày 08/01/2020  “Lễ ký kết Liên kết chuỗi nghêu theo Tiêu chuẩn MSC giữa Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam và Vùng nuôi nghêu tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh” đã được tổ chức tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) dưới sự chủ trì của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS). Cùng phối hợp tổ chức Lễ ký kết này còn có Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam, Tổ chức OXFAM tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre.

Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam – LSV) là công ty có 100% vốn nước ngoài, do Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan làm chủ đầu tư, với hơn 80 năm hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thu mua, chế biến và kinh doanh, phân phối các loại hải sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tôm và mực. Tập đoàn có hơn 16 nhà máy chế biến khắp châu Âu. Qua gần một thế kỷ, Lenger Seafoods luôn nỗ lực sáng tạo, phát minh ra những công nghệ chế biến sản phẩm chất lượng cao, phù hợp khẩu hiệu Taste of Excellence (Hương vị Hoàn hảo). Ở từng khâu, từ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, dịch vụ… tất cả đều hoàn hảo. Mục tiêu hàng đầu của Lenger Việt Nam là sản xuất ra các sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Lenger Việt Nam luôn tìm kiếm và không ngừng cải thiện quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đạt giá trị dinh dưỡng cao, chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Tại Việt Nam, mặt hàng nghêu của Lenger cũng có mặt tại các hệ thống siêu thị Citimart, K-Mart, Hiway, Intimex, Vinmart, Lotte… Bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, Lenger Việt Nam vẫn mong muốn có được các nguồn cung cấp sản phẩm nghêu sạch và an toàn, bền vững. Vì vậy, mặt hàng nghêu đạt chứng nhận MSC chính là một trong những sản phẩm mà Lenger Việt Nam hướng tới. 

Mục đích liên kết: Hợp tác phát triển liên kết giữa các bên (Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam; Hợp tác xã/ Tổ cộng đồng nghêu tại Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh) trong chuỗi giá trị nghêu 03 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh nhằm thúc đẩy tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, sản phẩm đạt chứng nhận MSC, có thể truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch. Đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc thu mua sản phẩm khai thác bền vững. Tạo chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa bền vững, đồng thời tăng doanh thu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Hợp tác xã/ Tổ hợp tác vùng nghêu. Doanh nghiệp đồng hành cùng Cộng đồng nghề nghêu trong phát triển bền vững (khai thác mà không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, không gây suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi nghêu). Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các sản phẩm được khai thác bền vững từ nguồn lợi tự nhiên. Hướng tới liên kết toàn vùng nuôi nghêu, góp phần nâng cao thu nhập cho hơn 20.000 người dân đang tham gia nghề nghêu (nhất là những người sản xuất quy mô nhỏ, thuộc diện nghèo) tại 03 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

 

Vai trò của Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh hỗ trợ các bên có liên quan trong việc tham vấn, đàm phán và tư vấn kỹ thuật, quảng bá cho sản phẩm nghêu đạt tiêu chuẩn MSC; Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tham gia hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy liên kết chuỗi; Kết hợp các hoạt động của các dự án khác (nếu có) nhằm hỗ trợ thúc đẩy triển khai liên kết chuỗi hiệu quả; Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để thúc đẩy quá trình thực hiện liên kết được bền chặt; đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, chỉ đạo tổ chức sản xuất theo hướng tập trung; Hướng dẫn người nuôi thực hiện nuôi nghêu theo hướng MSC, an toàn, bền vững; Hỗ trợ công tác giám sát và đánh giá Hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Cùng các bên hỗ trợ cấp Chứng nhận xuất xứ, Chứng nhận MSC cho nghêu cung cấp cho Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam.

Trong trường hợp các bên không thể thương lượng được khi gặp khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh sẽ cùng với Liên minh Hợp tác xã làm trung gian hỗ trợ các bên đàm phán, giải quyết.

Theo Ngọc Thúy – FICen

Share: 

Tin tức khác