{ICAFIS_SCBV} Biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến vùng nuôi Nghêu ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu khi mực nước biển dâng cao do tác động của BĐKH. Trên 12% bờ biển của Việt Nam sẽ bị ngập sâu dưới mực nước biển 1 mét. Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là những vùng trũng nên bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra ngập lụt, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết xấu. Theo thông tin Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nước mặn từ 6 cửa sông thuộc hệ thống sông Mê Kông đã xâm nhập vào nội địa vùng ĐBSCL 70 km, đặc biệt vào các tháng mùa khô. Tại Bến Tre, nước mặn từ sông Cửa Đại đã vào đến xã Phú Túc (huyện Châu Thành); tại Trà Vinh, nước mặn từ sông Hàm Luông đã vào đến xã Long Thới (Tiểu Cần), trên địa phận tỉnh Cà Mau, nước mặn từ sông Ông Đốc đã xâm nhập sâu 65 km. Trước những diễn biến của biến đối khí hậu đã ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sản xuất của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt, đối với những người dân trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nghề nuôi nghêu là một điển hình, khi mà tất cả đều phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu thì những ảnh hưởng vô tình chung từ các hoạt động phát triển kinh tế như phát triển công nghiệp, phát triển cây trồng, nuôi tôm công nghệ cao, … vô tình đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường nước từ các con sông và đổ ra những bãi nuôi nghêu. Trong tháng 10/2018, tại tỉnh Tiền Giang, xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt, 90% diện tích bãi nghêu và tháng 1, 2/2019, trên diện tích bãi nghêu của HTX Đồng Tiến, huyện Cầu Ngang và HTX Tiến Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nghêu đang đến ngày thu hoạch thì xuất hiện chết hàng loạt, 70 – 90% tổng diện tích bãi nghêu và gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế và nguồn thu nhập của người dân tại đây.

hinh_1_0.jpg

Bãi nghêu bị chết hàng loạt vào tháng 10/2018, tại xã Tân Thành, 

huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

Xuất phát từ bối cảnh đó, trong khuôn khổ dự án “Phát triển chuỗi giá trị nghêu bền vững và toàn diện tại Việt Nam – SCBV” Ban quản lý dự án SCBV/ ICAFIS/ Oxfam Việt Namtriển khai hoạt động “Khảo sát ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại vùng nuôi nghêu của tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh” trong thời gian từ ngày 23 – 31/05/2019. Trung tâm ICAFIS phối hợp cùng nhóm chuyên gia, giảng viên của trường Đại học Cần Thơ, trưởng nhóm là PGS.TS. Võ Nam Sơn, với kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn sâu về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là loài nhuyễn thể. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ kiểm kê nguồn thải, lịch thời vụ, lịch thiên tai. Đồng thời, cũng tiến hành thảo luận cùng với Đại diện của ban lãnh đạo, thành viên các HTX để thu thập và phân tích cụ thể nguyên nhân ảnh hưởng chính tới vùng nuôi nghêu là do tác động BĐKH hay do nguyên nhân về môi trường hoặc là một nguyên nhân khác. 

hinh_2_0.jpg

Thảo luận của đại diện ban lãnh đạo của HTX Thành Đạt, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

 

Kết quả đánh giá nhanh của buổi khảo sát, trong những năm gần đây, Mùa Chương (từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau) nắng nóng thường gay gắt và kéo dài hơn, thời tiết cũng bất thường hơn trước và nghêu thường bị chết trong giai đoạn này nhiều. Theo ông Trương Văn Linh, Trưởng ban Kiểm soát, HTX Tân Thủy (Bến Tre) cho biết: “HTX của tôi, trong cuối tháng 3 vừa rồi, cũng xảy ra nghêu chết nhưng số lượng chỉ thiệt hại 10% diện tích. Tôi thấy, trong 5 năm trở lại đây, nghêu thường hay chết ở Mùa Chướng này, vì thời gian này, con nghêu thương phẩm đã trong thời kỳ om trứng, nên sức khỏe của nghêu yếu hơn cộng thêm thời tiết thì nắng quá, con nghêu dễ bị sốc nhiệt. Vì vậy, mà nghêu hay chết ở thời điểm này….

hinh_3_0.jpg

Thảo luận cùng đại diện lãnh đạo của HTX Thành Công, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh

HTX thủy sản Rạng Đông, HTX thủy sản Đồng Tâm, HTX thủy sản Tân Thủy và HTX thủy sản An Thủy là những HTX có vùng nghêu giống tự nhiên hàng năm. Theo kết quả phỏng vấn với giám đốc của HTX Rạng Đông, Ông Phan Hoàng Vân cho biết: “Tôi cũng không biết có thực sự do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không, nhưng tôi thấy dòng chảy bị thay đổi, vì lượng nghêu giống những năm trước trú tại vùng nghêu của HTX rất nhiều, nhưng một vài năm gần đây, không hiểu sao, chúng kéo nhau đi đâu hết, như năm nay, đến tháng 5 rồi, mà vẫn chưa thấy xuất hiện nghêu giống,..”. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn, những nguồn gây ô nhiễm môi trường, tại tỉnh Trà Vinh, thảo luận cùng ban quản lý của HTX Thành Công cho biết : “Xung quanh vùng nuôi nghêu thì có những ao nuôi tôm công nghệ cao, công ty tôm giống, mặc dù không thấy cống thải của họ ra bãi nghêu, nhưng chắc phần nào cũng có ảnh hưởng. Mặc dù, giờ ở bãi nghêu, chúng tôi vẫn chưa thấy có mùi hôi, thối, hay nước đen,…”. Từ kết quả thảo luận, phỏng vấn và kết hợp cùng với số liệu quan trắc môi trường, các số liệu liên quan, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra báo cáo cụ thể và rõ ràng hơn về những ảnh hưởng BĐKH và những tác động ô nhiễm môi trường đang tiềm ẩm. Kết quả của nghiên cứu, sẽ góp phần giúp các HTX/THT vùng nghêu của 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh có căn cứ trong xây dựng kế hoạch phát triển và sản xuất hợp tác xã và tổ nhóm sản xuất. Đồng thời, đây cũng là căn cứ cho phía Chi cục thủy sản, Trung tâm khuyến nông tỉnh trong việc định hướng phát triển nghề nghêu nói chung và ngành thủy sản nói riêng tại địa phương.

Đinh Thu - ICAFIS

Share: 

Tin tức khác