{ICAFIS-SCBV} Tạo vàng trên cát vùng nghêu của tỉnh Tiền Giang

Nghêu giống tự nhiên được ví như vàng trên cát bởi nguồn lợi ngày càng suy giảm và rất ít tỉnh có được nguồn nghêu giống tự nhiên.

Nghêu là một trong 4 thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc….. Diện tích nuôi nghêu và các loài nhuyễn thể tính đến năm 2019 ước khoảng 40.685 ha với tổng sản lượng gần 300.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 88,7 triệu USD. Khi nghề nuôi nghêu được đưa vào phát triển đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

73293945_2433855196933326_715352895075123200_o.jpg

Bãi nghêu Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang, Nguồn: Dự án SCBV

Nghêu nước ta chủ yếu là giống Meretrix lyrata, được khai thác lâu đời ở ĐBSCL và nhiều tỉnh ven biển. Tại vùng ĐBSCL, nuôi nghêu đã phát triển ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh với diện tích năm 2019 là 5.283ha; trong đó, Bến Tre 2.873ha, Tiền Giang 1.950ha, Trà Vinh 460ha. Tổng diện tích bãi biển có thể phát triển nuôi nghêu ở ba tỉnh lên đến 9.770ha. Ở tỉnh Bến Tre và Trà Vinh còn có 274ha nghêu bố mẹ và 550ha nghêu giống chất lượng cao để cung cấp tại chỗ cùng các địa phương khác, có được nguồn giống tự nhiên sẽ giúp chủ động và ổn định cho sản xuất. Tuy nhiên do biến động của môi trường và biến đổi khí hậu hiện nay, diện tích có nghêu giống tự nhiên không nhiều. Ở tỉnh Bến Tre, sau 10 năm được cấp chứng nhận MSC, nguồn lợi nghêu tại một số vùng có dấu hiệu suy giảm. Thậm chí một số hợp tác xã gần như không còn nghêu giống tự nhiên (Bảo Thuận, Bình Minh, Thạnh Lợi) và đây sẽ là một khó khăn khi tái đánh giá MSC tại Bến Tre.

72178728_2433855600266619_6005128290065448960_o.jpg

Khai thác nghêu trên bãi Gò Công Đông, Nguồn: Dự án SCBV

Nghiên cứu mới đây của dự án“Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” đươc sự tài trợ của Liên Minh Châu ÂU (EU), tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã chỉ ra rằng “Giai đoạn 2010 - 2019, hầu hết bãi nghêu tại 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh thể hiện xu hướng thu hẹp về diện tích và thay đổi vị trí phân bố theo hướng ra xa bờ hơn; tỷ lệ giảm diện tích trung bình tại 3 tỉnh là 21,7%; mật độ và sinh lượng cũng giảm”. Nguyên nhân chính là do quá trình xói lở và bồi tụ diễn ra liên tục, xen kẽ tại các vùng ven biển, trong lúc nghêu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên và môi trường như chế độ gió, dòng chảy, thời tiết, bồi lắng, độ mặn.

* Tại Tiền Giang

Từ năm 2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3652/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 về việc triển khai đề tài khoa học công nghệ:“Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix lyrata) tại Gò Công, Tiền Giang theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý biển (MSC - Marine Stewardship Council)” và bắt đầu đi vào thực hiện các nội dung chi tiết từ năm 2013, năm 2015 UBND đã ban hành Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 16/9/2015  Quy định về việc quản lý khai thác nghêu giống, nghêu bố mẹ và nghêu thương phẩm trên địa bàn tỉnh, theo đó: i)nghêu thương phẩm đạt kích thước trên 80 con/kg mới được phép khai thác và phải giữ lại ít nhất 10% để bảo tồn nghêu bố mẹ; ii) đối với nghêu giống có kích thước dưới 1.500.000 con/kg không được phép khai thác, kích thước từ 1.500.000 con/kg – 500.000 con/kg được phép khai thác dưới sự quản lý và cho phép của địa phương; iii) các ngư cụ huỷ diệt, không thân thiện với môi trường không được phép sử dụng. Tuy nhiên thời gian vừa qua dưới biến động của môi trường và biến đổi khí hậu lượng nghêu giống trên bãi xuất hiện với lượng rất ít.

72489673_2433855953599917_4693406429887856640_o.jpg

Ngư dân sử dụng ngư cụ thân thiện môi trường trên bãi nghêu Gò Công Đông, Nguồn: Dự án SCBV

* Quyết tâm tạo vàng tại Tiền Giang

Từ năm 2018 tỉnh Tiền Giang may mắn được lựa chọn triển khai dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam - SCBV  được sự tài trợ của Liên Minh Châu ÂU (EU), tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) và hướng đến mục tiêu đạt chứng nhận quốc tế MSC. Nhận thức được tầm quan trọng của MSC trong:

+ Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nghêu qua đó góp phần ổn định sản xuất trong nước, MSC được ví như VISA VIP để sản phẩm nghêu đi vào thị trường hơn 100 quốc gia trên thế giới.

+ Với cách tiếp cận khai thác bền vững nguồn lợi nghêu trong bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của MSC sẽ là con đường giúp tái tạo nguồn lợi tự nhiên đặc biệt là nguồn nghêu bố mẹ và nguồn giống tự nhiên (vàng trên cát).

+ Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi gắn với lợi ích kinh tế lâu dài.

mscngheu3.jpg

Lễ ký kết liên kết tiêu thụ nghêu MSC giữa Công ty Lenger và 3 tỉnh vùng dự án SCBV

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, Chi cục thuỷ sản tỉnh Tiền Giang và các cơ quan ban ngành đã định hướng:

+ Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hiện chương trình nghêu MSC tỉnh Tiền Giang

+ Chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ trong thực hiện các văn bản pháp luật của nhà nước và của tỉnh về thực hiện bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và khai thác bền vững nguồn lợi nghêu.

+ Củng cố cơ cấu tổ chức các tổ cộng đồng trong quản lý khai thác bền vững nguồn lợi nghêu

+ Xây dựng khu bảo tồn nguồn lợi nghêu với diện tích 350ha.

88347100_1608207739318472_7471818836640006144_n.jpg

Hoạt động làm sạch bờ biển vùng nghêu MSC huyện Gò Công Đông, Tiền Giang

Tiến sỹ Lê Thanh Lựu – giám đốc ICAFIS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I chia sẻ “trong sản xuất thuỷ sản thì nguồn giống có vai trò quan trọng, nó giống như then chốt của cả một ngành hàng, nguồn giống sản xuất nhân tạo đã giúp chúng ta mở rộng nghề nghêu ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Tuy nhiên, theo đặc tính sinh học các nguồn nhân tạo sẽ bị suy thoái theo thời gian do đó việc bảo tồn nguồn bố mẹ và nguồn giống tự nhiên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bảo tồn nguồn gen quốc gia và là điểm mấu chốt trong thực hiện nghêu MSC của tỉnh Tiền Giang, cũng như công tác chọn giống thích ứng với BĐKH”. Từ những ý nghĩa lớn lao đó Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, các cơ quan ban ngành trong tỉnh và dự án SCBV quyết tâm đạt chứng nhận MSC trong năm 2020 và xây dựng dự án khu bảo tồn nghêu trong năm 2020 -2021.

69549232_2417652164990166_5636505459096551424_n.jpg

Giới thiệu sản phẩm nghêu tại Hội chợ Vietfish 2019, Nguồn: Dự án SCBV

* Thành quả của một quá trình 

Năm 2020 được ghi nhận là một năm đầy khó khăn cho ngành nghêu Việt Nam nói chung và nghêu Tiền Giang nói riêng bởi: i) Môi trường, độ mặn biến động mạnh làm hiện tượng nghêu chết hàng loạt kéo dài từ Quảng Ninh đến Cà Mau, ghi nhận cho thấy mỗi tỉnh có hàng ngàn ha thiệt hại; ii) Ảnh hưởng của dịch Covid 19 khiến thị trường tiêu thụ quốc tế gặp nhiều khó khăn; iii) Tiếp cận nguồn vốn để tái sản xuất khó khăn do nghêu không phải là sản phẩm trong danh mục ưu đãi. Tuy nhiên, trong khó khăn nghề nghêu tỉnh Tiền Giang lại có được những điểm sáng từ nghêu giống tự nhiên, hơn một tháng trở lại đây nguồn lợi nghêu giống tự nhiên xuất hiện nhiều và có dấu hiệu tăng lên một cách đáng kể, anh Tạ Khắc Khuyên – giám đốc Ban quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông chia sẻ “Từ đầu năm 2020 đến nay do biến đổi môi trường và độ mặn, trên 70% diện tích nghêu đã thả của địa phương bị thiệt hại, chỉ tính riêng diện tích của ban bị thiệt hại ước tính cũng trên 100 tỷ đồng, việc tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư gặp nhiều khó khăn, ban có huy động vốn từ thành viên nhưng cũng chỉ được một phần. May mắn thay năm nay nguồn lợi giống tự nhiên xuất hiện nhiều nên trong thời gian tới sẽ có cơ hội để khôi phục sản xuất”.

82831164_3651302581551180_543997902209394057_n.jpg

Đánh giá trữ lượng nghêu giống tự nhiên trên bãi nghêu MSC huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

Đúng là “vàng trên cát” và vàng xuất hiện trong giai đoạn này là niềm vui khôn tả đối với chúng tôi những người đi làm dự án, sản xuất của bà con có cơ hội được khôi phục, niềm tin hướng đến mục tiêu đạt chứng nhận MSC nghêu tỉnh Tiền Giang trong năm 2020 được củng cố “chúc cho mưa thuận, gió hoà, thời tiết ổn định, chúc cho bà con làm ăn tấn tới bền vững lâu dài”.

Xuân Lập – ICAFIS

Share: 

Tin tức khác