ICAFIS - Ngành thủy sản tăng trách nhiệm xã hội trước yêu cầu hội nhập

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Tại hội thảo “Đối thoại chính sách thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 28/12, tại Hà Nội, ông Đinh Xuân Lập, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, với xu thế phát triển của hội nhập, trách nhiệm xã hội được đề cao và được yêu cầu tại nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản...

Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định TPP thì vấn đề này càng trở lên quan trọng và buộc phải thực hiện.

Sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Trong đó nổi cộm lên là các thách thức liên quan đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thủy sản nuôi, tổn thất sau thu hoạch ở mức cao, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Thúc đẩy quá trình thực hành trách nhiệm xã hội sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh, uy tín, hình ảnh và thương hiệu cho ngành thủy sản Việt Nam.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam mới bước đầu tập trung ở các nhà máy chế biến thủy sản (khoảng 30% số nhà máy) và gần như bỏ ngỏ đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đã thực hiện nhiều quy tắc trách nhiệm trong nghề cá của FAO.

Tuy nhiên việc thực hiện còn nhiều hạn chế, do ý thức, quan điểm của các thành viên tham gia trong nghề cá còn rất hạn chế.

Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng nghề cá ứng xử có trách nhiệm theo quy tắc của FAO, thực hiện VietGAP cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản.

Một trong 4 phần quan trọng nhất của VietGAP đó là trách nhiệm xã hội. Trong các cuộc đàm phán với các tổ chức chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP… đều đặt ra vấn đề phải tuân thủ các trách nhiệm xã hội.

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng để thúc đẩy trách nhiệm xã hội tại nhà máy chế biến, trại nuôi thủy sản và trên các tàu khai thác thì trước hết cần phải tìm ra những điểm chưa phù hợp như quy định về giờ làm, ưu đãi lao động nữ, mua bảo hiểm cho tài sản và người lao động, hợp đồng và trả công cho người lao động đúng mức, quản lý lao động trên tàu cá...

Điều này sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh khi xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu mua hàng và tuân thủ pháp luật của quốc gia nhập khẩu.

Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng đánh giá, các hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều cộng với trình độ nhận thức của người dân là những hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Trong nuôi trồng thủy thường gặp rủi ro lớn, ngoài biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường dẫn đến dịch bệnh… đã khiến nguồn thu của người dân không ổn định nên việc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội trong dài hạn là thách thức rất lớn.

Là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn, nên Sóc Trăng xác định phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu đưa sản xuất gắn theo chuỗi, đặc biệt đưa người nuôi vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó sẽ gắn sản xuất với thực hiện các tiêu chuẩn như VietGAP để thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, ông Trần Đình Luân cho hay./.

Theo: http://www.vietnamplus.vn

ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)

 

Share: 

Tin tức khác