ICAFIS- Ngân hàng và doanh nghiệp cùng thực hiện mô hình liên kết chuỗi

Với mong muốn hỗ trợ người nuôi tôm trong tỉnh có lãi trong thời giá tôm thấp, giúp nông dân có điều kiện tốt hơn về vốn, kỹ thuật, ngày 25/7, Sở NN&PTNT Cà Mau tổ chức hội thảo nâng cao chuỗi liên kết ngành hàng tôm với sự tham gia của các công ty thuốc, giống, thức ăn thuỷ sản. 

Đặc biệt, công ty thức ăn thủy sản De Heus cùng liên kết với Ngân hàng Phương Đông - OCB tham gia vào chuỗi liên kết này.

Đại diện các bên bàn nhiều giải pháp tín dụng cho mô hình liên kết chuỗi.

Thời gian qua, hiệu quả của mô hình liên kết chuỗi ngành hàng tôm đã chứng tỏ hiệu quả trong thời kỳ “bão giá” như hiện nay vì nó giảm giá thành sản xuất. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm được doanh ngiệp trực tiếp thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5-8%.

Khi giảm giá thành sản xuất thì con tôm Việt Nam mới đủ năng lực cạnh tranh với giá tôm trên thế giới (giá tôm của Việt Nam hiện cao hơn 15-20% so với tôm của Ấn Độ, Thái Lan…).

Theo số liệu thống kê của Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), có 80-90% người nuôi tôm vùng ĐBSCL trong tình trạng nợ ngân hàng hoặc các đại lý thức ăn, con giống. Do đó, để thúc đẩy cơ chế mới từ liên kết theo chuỗi, đầu vào phải có sự tham gia của ngân hàng. Đây là đơn vị điều phối dòng tiền hiệu quả và nó là đơn vị bảo đảm luân chuyển dòng tiền trong chuỗi thông qua cơ chế chuyển khoản giao dịch. Từ đó, các bên sẽ có đủ niềm tin, năng lực tài chính ngồi lại với nhau để hợp tác thực hiện mô hình này hiệu quả hơn.

Ông Đinh Xuân Lập (ICAFIS) cho biết, hiện Cà Mau có khoảng 300.000 ha nuôi tôm, sản lượng bình quân 150.000 tấn/năm. Theo thời giá hiện tại, 1 năm người dân Cà Mau sử dụng bình quân khoảng 4.950 tỷ đồng thức ăn cho tôm. Nếu thực hiện theo chuỗi thì giá trị giảm tương đương 15%, tức là làm lợi cho nông dân khoảng 742 tỷ đồng.

Với mong muốn thúc đẩy tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành hàng tôm, tại hội thảo, đại diện OCB nêu ra những tiêu chí để người dân tiếp cận nguồn vốn vay thực hiện mô hình liên kết chuỗi. Công ty thức ăn thủy sản De Heus là đơn vị liên kết với OCB thực hiện gói tín dụng tài trợ chuỗi liên kết ngành hàng tôm, đảm bảo lợi nhuận sau vụ nuôi trước giá tôm xuống thấp như hiện nay.

 Báo Cà Mau

Share: 

Tin tức khác