{ICAFIS-GRAISEA2-SCBV} Thông báo tổ chức hội thi "Sáng kiến mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu -2020"

  HỘI THI "SÁNG KIẾN MÔ HÌNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - 2020

CHỦ ĐỀ: VƯỢT QUA HẠN MẶN BƯỚC TỚI THÀNH CÔNG

backdrop_hoi_thi_tom_bdkh_2020-_dang_web__0.jpg

BỐI CẢNH

Việt Nam là một quốc gia biển có tiềm năng phát triển thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nói riêng. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là NTTS ven biển thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc. Chỉ trong vòng 18 năm (2001-2019), sản lượng NTTS đã tăng từ hơn 700 ngàn tấn lên khoảng 4.432,5 nghìn tấn, gấp khoảng hơn 6 lần. Tuy nhiên, hoạt động NTTS ở vùng ven biển, trên biển, ven đảo phát triển chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, như: đất, nước và môi trường. Vì vậy, NTTS là lĩnh vực sản xuất nhạy cảm cao với các thay đổi về điều kiện môi trường và thời tiết, khí hậu. Những năm gần đây, NTTS ven biển là một trong những lĩnh vực sản xuất chịu tác động thường xuyên và ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng cực đoan của thời tiết và thiên tai do biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, qua phân tích và phỏng đoán các tác động của nước biển dâng đã công nhận vùng hạ lưu sông Mekong hay vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp do biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, những rủi ro của đồng bằng sông Cửu Long gặp phải từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, triều cường,… là rất lớn. Trong tháng 2/2020, do hạn mặn đến sớm và độ mặn quá cao đã xảy ra hiện tượng nghêu thương phẩm chết hàng loạt và bất thường tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang tỷ lệ nghêu chết đến 60 – 90%, theo đánh giá ban đầu nghêu chết do độ mặn tăng cao lên mức 26 – 30 và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Bên cạnh đó, những bất lợi về thời tiết đã có những tác động mạnh đến nghề nuôi tôm, xâm nhập mặn làm sức đề kháng của con tôm bị giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và gây hại trên diện rộng từ đầu vụ đến nay, đặc biệt là các vùng nằm sâu trong nội đồng thiếu nước lưu thông, trao đổi, khiến độ mặn trong vuông nuôi tăng trên 30 có nơi trên 40 dẫn dến tình trạng tôm chết bắt đầu xảy ra hàng loạt. Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích thả nuôi từ đầu vụ đến nay của tỉnh chỉ mới hơn 6.000 ha nhưng đã ghi nhận có khoảng 115 ha tôm bị thiệt hại. Tại tỉnh Bến Tre, nhiều hộ nuôi tôm khẳng định, đây là năm đầu tiên tôm chết nhiều như vậy.

Trước những tác động tiêu cực từ BĐKH và hiện tượng thời tiết cực đoan tới ngành NTTS, cần những sáng kiến mô hình thích ứng để biến nguy thành an, tận dụng từ những tác động của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững ngành NTTS tại Việt Nam nói chung và tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Tiếp nối những thành công từ Hội thi: Sáng kiến mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2019, trong khuôn khổ triển khai các chương trình dự án: i) Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á giai đoạn 2 - GRAISEA 2; ii) Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam – SCBV, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Thụy Điển, Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) và Sở NN&PTNT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre, tổ chức chương trình:

"HỘI THI: SÁNG KIẾN MÔ HÌNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU – NĂM 2020: VƯỢT QUA HẠN MẶN BƯỚC TỚI THÀNH CÔNG".

MỤC ĐÍCH HỘI THI

Hội thi được tổ chức nhằm mục đích:

+  Nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng về BĐKH, cụ thể là hạn mặn.

+ Thúc đẩy sáng tạo ra các sáng kiến, mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với hạn mặn dựa trên kinh nghiệm và tri thức cộng đồng.

+ Thông qua Hội thi, xây dựng bức tranh tổng thể về biến đổi khí hậu nguyên nhân – tác động – hệ quả - biện pháp thích ứng với BĐKH. Đồng thời, gắn kết giữa các đơn vị từ cấp quản lý – cộng đồng – doanh nghiệp – tổ chức xã hội đến người dân, cùng hợp tác chung tay phát triển bền vững và thịnh vượng.

CHƯƠNG TRÌNH

Đơn vị tổ chức: Trung tâm ICAFIS, dự án GRAISEA2, dự án SCBV và Tổ chức WWF.

Đơn vị phối hợp: Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre (Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, Chi cục thủy sản các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang).

Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Bồ Đề, Tập đoàn OCIALIS, Công ty Mỹ Bình.

THÀNH PHẦN THAM GIA

SỐ LƯỢNG: 160 – 200 người là đại diện các HTX/THT nuôi Tôm và Nghêu, các đối tác dự án tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tỉnh, Công ty đầu ngành về thủy sản, Tổ chức phi chính phủ,..

ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI CHƠI: Người chơi là người nuôi Tôm và Nghêu (Nam và Nữ) tại các vùng dự án thuộc tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre.

HÌNH THỨC TỔ CHỨC

Hội thi được tổ chức theo hình thức trò chơi, sống động, tạo môi trường vui vẻ và thúc đẩy sáng tạo, phát triển những sáng kiến, tri thức từ cộng đồng, dự kiến với 03 phần chính:

+ Vòng 1: Thách thức - Hạn mặn và Xâm nhập mặn

+ Vòng 2: Sáng Tạo - Ý tưởng thích ứng

+ Vòng 3: Chiến thắng - Mô hình hay, thích ứng tốt

Người chơi chia thành 5 đội (bao gồm cả Nam và Nữ) cùng trải qua các vòng thi. Ở mỗi vòng thi, Ban giám khảo sẽ chấm điểm cho từng đội. Ban tổ chức sẽ dựa vào tổng số điểm qua 03 vòng thi để quyết định đội thắng cuộc.

GIẢI THƯỞNG

Người tham gia và các đội chơi có cơ hội nhận được các phần quà cực kì hấp dẫn từ Ban tổ chức và các đơn vị đồng hành như Tập đoàn Bồ Đề, Tập đoàn Ocialis, Công ty Mỹ Bình; đi kèm với đó là tư vấn hoàn thiện mô hình, cũng như có cơ hội được hợp tác đầu tư phát triển mô hình.

Cơ cấu giải thưởng:

01 Giải nhất – Thích ứng xuất sắc

01 Giải nhì – Thích ứng tốt

01 Giải ba – Thích ứng khả thi

01 Giải đồng đội 

01 Giải khuyến khích

BAN GIÁM KHẢO 

+ Chuyên gia Đại học Cần Thơ

+ Chuyên gia thuộc Chi cục thuỷ sản, Trung tâm khuyến nông tỉnh

+ Chuyên gia dự án GRAISEA – ICAFIS, SCBV – ICAFIS

+ Tổ chức WWF

CHƯƠNG TRÌNH DỰ KIẾN

THỜI GIAN: 13h30-18h00, ngày 15 tháng 6 năm 2020

ĐIẠ ĐIỂM: Khách sạn Vạn Phát, Cồn Khương, Thành phố Cần Thơ

Để biết thêm thông tin chi tiết  xin vui lòng liên hệ:

Ông Đinh Xuân Lập - Phó giám đốc ICAFIS,

Email: lap.dinhxuan@icafis.vn, Điện thoại: 0985.024.307 

Các đơn vị, Công ty quan tâm, mong muốn đồng hành cùng chương trình xin vui lòng  liên hệ sớm để có thể bàn bạc cụ thể hơn. Xin chân thành cảm ơn!

"ICAFIS khơi nguồn sáng tạo cùng cộng đồng"

Share: 

Tin tức khác